Tìm hiểu hồn thơ của Hàn Mặc Tử thông qua bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ

By   Administrator    12/02/2020

Thi phẩm “Đây thôn Vĩ Dạ”, một nét trong trẻo hiếm hoi trong tập Thơ Điên. Chúng ta hãy cùng giasusinhvien.net đi phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ trong bài viết dưới đây nhé.

Hàn Mặc Tử - người thi sĩ mang phong cách điên cuồng, mãnh liệt bộc lộ qua những vần thơ thác loạn, ngập tràn ý tượng hồn, trăng và cả máu, mang đến hơi thở mới lạ đặc trưng trong phong trào Thơ Mới. Song, thơ Hàn Mặc Tử đâu chỉ có những ý niệm điên cuồng. Thi sĩ cũng có lúc trầm ngâm, mơ màng trong nét tinh khôi, tươi sáng của miền chân quê xứ Huế để rồi viết nên những vần thơ chứa chan xúc cảm về thiên nhiên, con người. Thi phẩm ấy mang tên “Đây thôn Vĩ Dạ”, một nét trong trẻo hiếm hoi trong tập Thơ Điên.

Tham khảo thêm: Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

Đây thôn Vĩ Dạ, tiêu đề bài thơ cũng đã đủ để khơi gợi ý thơ, nhắc nhớ về mảnh đất chân tình nơi làng quê xứ Huế. Ở mảnh đất Vĩ dạ ấy, nhà thơ gắn bó thiết tha và khắc khoải mãi nỗi nhớ về thiên nhiên, con người. Thi phẩm gồm ba khổ thơ bảy chữ, ý thơ vận động theo từng khoản thời gian trong ngày, đi từ hiện thực đến mộng huyễn, từ cảm nhận đời thường cho đến rung cảm mãnh liệt nơi tâm hồn. Mở đầu bài thơ là câu hỏi tu từ với giọng trách móc nhẹ nhàng, âm điệu dịu dàng nhỏ nhẹ như lời của một cô gái Huế:

Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”

Lời thơ vừa có ý trách móc lại vừa mang ý thủ thỉ mời gọi chân tình. Câu thơ nhắc nhớ người đi xa sao lâu lắm không trở lại với chốn làng quê ngoại ô, nơi Vĩ Dạ thôn thơ mộng. Đây là lời của người con gái Huế hay phải chăng là lời nhân vật trữ tình tự trách lòng mình sao vô tâm với nơi này. Ta thấy được ý thơ bộc lộ tâm tình của người đã từng có rất nhiều những kỉ niệm gắn bó với nơi đây. Thi sĩ dùng từ “không về” thay cho “chưa về”, và “về chơi” chứ không phải là “về thăm”. Cái tình trong ý thơ đậm đà bao nhiêu thì từ ngữ nếu chiêm nghiệm lại càng khiến ta cảm giác man mác đượm buồn bấy nhiêu. Người ấy đã lâu lắm rồi không trở về nơi chốn cũ, trở về tâm tình cũ và những xúc cảm cũng không còn có thể đậm đà như xưa. 

Bức tranh làng quê yên ả thanh bình hiện lên cùng nét đẹp thiên nhiên gần gũi, thanh khiết và trong trẻo:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

Ba câu thơ tiếp theo của khổ thơ đầu tiên mở ra quang cảnh thôn Vĩ Dạ với những cảnh vật đặc trưng đầy tươi đẹp của xứ Huế. Nơi đây, sắc nắng lan tỏa khắp không gian, vươn mình rót tràn trên những tán cây cao vút. Sắc nắng ấy là sắc nắng tinh khôi, thứ ánh nắng mới của bình minh buổi sớm. Sau một đêm đắm chìm trong làn sương, sớm tinh mơ, khu vườn đón nhận ánh bình minh phản chiếu một màu xanh trong đẹp như lục ngọc. Đó là một màu xanh mướt, xanh trong đầy ảo diệu nhưng cũng thật bình dị biết bao. Cảnh vật mà nhà thơ miêu tả không lung linh huyền ảo mà thật tinh tế, tươi trong; không lóng lánh mà chỉ cần một vài nét mơ màng tinh khôi cũng đủ để khiến người cảm nhận phải thốt lên ngỡ ngàng. Cảnh vật xứ Huế quả thật trở nên nhẹ nhàng và yên bình đến lạ thường qua đôi mắt tinh tế của thi sĩ Hàn Mặc Tử.

Kết lại khổ thơ đầu tiên là một hình ảnh đặc sắc: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Nếu như ở hai câu đầu tiên, thi sĩ dồn sự chú ý vào cảnh vật thì câu thơ này đã mang bóng dáng sự xuất hiện của con người. Hình ảnh mảnh lá trúc thanh thoát rủ xuống che ngang gương mặt phúc hậu chữ điền, một nét đẹp mà khiến người đọc phải thốt lên “rất Huế”! Phải chăng đằng sau những ô cửa rủ vài nhành lá trúc xanh xanh, có người con gái e dè, thục nữ nép mình nhoẻn môi cười ý nhị. Và phải chăng, đó là hình ảnh thi nhân đôi lần ngang qua chốn này, dừng chân ghé lại nhưng còn vướng bận tâm tình chưa thể nói, còn ngập ngừng sau khung cửa. Nét tao nhã của con người xứ Huế không biết vô tình hay có dụng ý mà nhà thơ đã đưa vào vần thơ một cách tinh tế như vậy. Đôi lúc, những hình ảnh ngẫu nhiên bình dị lại mang đến xúc cảm ấn tượng khó phai mờ, quá đỗi thân thương.

Nhắc đến Hàn Mặc Tử là nhắc đến một hồn thơ ngập tràn ánh trăng. Và làm sao có thể thiếu đi ánh trăng trong những vần thơ viết về xứ Huế. Nơi dòng Hương giang lẳng lặng gieo tâm tình vào lòng Huế mộng mơ cũng là nơi ánh trăng được dịp kết nối với hồn người, khơi gợi nên những xúc cảm sâu lắng và mãnh liệt nhất:

“Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Tạm khép lại những niềm vui mới chớm của khung cảnh ngày mới ở khổ thơ đầu tiên, Hàn Mặc Tử lại đưa người đọc đến mạch cảm xúc riêng độc đáo nhất. Thật vậy, không có thi phẩm nào nhà thơ sáng tác mà không ẩn chứa tâm tư phức tạp, khó có thể nhìn thấu được. Bức tranh đêm trên sông trở nên hiu quạnh, mang một nỗi buồn thương da diết mà ở đó, gió, mây, trăng – những yếu tố tưởng chừng hoà quyện, thống nhất lại bị tách biệt hoàn toàn:“Gió theo lối gió mây đường mây”. Trên dòng nước sông Hương trong khoảnh khắc đêm thanh vắng, gió – mây chia hai ngả, gió thổi mây trôi nhưng chẳng thể cùng một hướng. Sự nghịch lý này lại chính là biểu hiện của sự chia lìa, xa cách, mãi không thể đồng điệu trên một cung đường. Nỗi sầu được cộng hưởng với dòng chảy nhè nhẹ của làn nước sông và bóng phất phơ của cụm hoa bắp lay lay trong gió. Tất cả hòa quyện khiến nỗi sầu thương lại càng trở nên thê lương, đã buồn lại còn”buồn thiu”, đã sầu lại càng trở nên cô độc trong không gian quạnh hiu này. Bức tranh trầm tịch của cảnh vật được tác giả phác hoạ nên không chỉ đơn giản là kể câu chuyện đêm trăng trên dòng sông Hương tĩnh mịch mà đó chính là bức hoạ tâm, bộc lộ nỗi tâm tình tê tái của một đoạn tình duyên vỡ lở. 

Nỗi buồn ngập tràn trong tâm hồn nhưng cũng không thể chiếm trọn không gian của nỗi nhớ mong da diết để rồi cất lên trong hai câu thơ sau là câu hỏi bâng khuâng: 

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Thi sĩ không tìm đến cảnh vật nơi đây chỉ đến thưởng trăng, ngắm nhìn dòng chảy Hương giang mà để chìm đắm trong luồng cảm xúc bất tận của hồn mình. Hình tượng con thuyền neo đậu bên kia bến bờ trên dòng sông ngập tràn ánh trăng trở nên thi vị biết bao. Sông trong thơ Hàn là “sông trăng”, thuyền trong thơ Hàn là thuyền chở đầy ánh trăng. Trăng tràn ngập khắp mọi nơi. Ánh trăng tượng trưng cho niềm hạnh phúc viên mãn lại bỗng trở thành một điều xa xỉ trong ý niệm của nhà thơ. 

Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Nhân vật trữ tình hay cũng chính là thi nhân với khát khao mối duyên đã đứt đoạn, không thành, tận hưởng ánh trăng mà chỉ mong chờ những khát khao bình dị nhất. Câu hỏi tu từ cất lên cuối khổ thơ: “Có chở trăng về kịp tối nay?”bộc lộ nỗi niềm khát khao chạy đua với những ràng buộc để níu giữ hạnh phúc mong manh quý giá nhất. Ánh trăng kia rót đầy mạn thuyền, nhưng liệu thuyền ai có kịp mang ánh trăng – niềm hạnh phúc bình dị ấy đến được nơi bến bờ? Liệu đoạn tình cảm kia có thể có hy vọng thành hình hay chăng?

Nỗi niềm nhà thơ đến khổ thơ cuối đã được bộc lộ trọn vẹn, sống giữa cõi đời thực và cõi huyền ảo, thi nhân lại khiến người đọc không thể phân biệt được đâu là thế giới thật sự trong thơ của mình:

“Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà”

Không gian hư ảo mở ra bằng cõi “mơ”, chơi vơi với hình tượng “khách đường xa” mà tác giả vẽ nên cùng với điệp từ tạo cảm giác như hình bóng ai đó dần xa rời, quay bước đi không hề ngoảnh đầu lại. giữa không gian hư ảo đó, dù cho có muốn níu giữ cũng chẳng thể nhìn xuyên lớp màn khói mây. Nét huyền ảo trong gian tác giả vẽ nên hệt khung cảnh giấc mơ kỳ bí, nơi con người đã không còn có thể ý thức rõ ràng về điều gì. Ở nơi đó, sắc trắng tinh khôi của tà áo người con gái thi nhân mang nặng tâm tình đang thoắt ẩn thoắt hiện, mờ mờ hư ảo, trịnh nguyên vạn phần. Hình tượng ấy trở thành một nỗi khát khao mà có lẽ trong tâm tưởng của nhà thơ vốn suy nghĩ sẽ chẳng bao giờ có thể chạm tay đến. Mối chân tình đơn phương được nhà thơ biểu hiện rõ trong khổ thơ cuối cùng này, càng khắc khoải, nhớ thương lại càng trở nên hụt hẫng và tuyệt vọng và mãi giằng lòng trong mối nghi vấn “Ai biết tình ai có đậm đà.” “Ai” vừa là người hỏi vừa là người được hỏi. Đối tượng câu hỏi không hề cụ thể, cũng giống như mối tình đơn phương mãi trao đi chẳng biết bao giờ mới có thể nhận được sự hồi đáp. Tâm hồn thi nhân đã trót bơ vơ, lạc lõng như rơi vào hoang mạc ái tình đầy tuyệt vọng.

Hoá ra bấy lâu, trong hồn thơ thi nhân vẫn luôn ẩn chứa những ý niệm chân tình như vậy, vẫn nuôi giữ đoạn tình cảm đẹp đẽ dù cho có muôn vàn cách trở. Niềm khát khao trở lại với Vĩ dạ thôn và trở lại với một mảnh tình người lắng đọng mà tác giả đã chôn vùi, giấu kín sâu tận đáy lòng này được dịp bộc lộ qua ý thơ hết sức tinh tế và biểu cảm. Giai đoạn bạo bệnh dày vò thân xác vẫn không thể ngăn nhà thơ sáng tạo những vần thơ dạt dào xúc cảm như dốc hết chân tình cho người ở lại.

Tham khảo thêm: Phân tích bài thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu

Khép lại ba khổ thơ tuy ngắn ngủi của thi phẩm Đây thôn Vĩ Dạ, người đọc còn nghe thủ thỉ lời tâm sự chân thành của hồn thơ mang tên Hàn Mặc Tử. Nếu như nói Hàn Mặc Tử xứng đáng là một điệu độc hành mang âm hưởng bi ai điên cuồng trong thi đàn Thơ Mới thì Đây thôn Vĩ Dạ là nốt cao trong trẻo vút lên giữa những thi phẩm đặc sắc khác, khơi dậy tình yêu thương mảnh đất thôn quê và con người xứ Huế, lại đồng cảm tiếc thương cho tâm tình nhà thơ.

>> Tham khảo thêm ngay:

5/5 (2 bình chọn)