Phân tích chi tiết những vẻ đẹp hình tượng người lái đò sông Đà

By   Administrator    15/02/2020

Nhà văn Nguyễn Tuân cá tính và rất mực tài hoa, uyên bác. Cùng giasusinhvien.net phân tích vẻ đẹp hình tượng người lái đò sông Đà trong tùy bút cùng tên để thấy điều đó nhé.

     Theo nhà văn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Tuân được xem là “cái định nghĩa về người nghệ sĩ”. Tên tuổi của ông gắn liền với ‘’cái tôi” người nghệ sĩ đầy cá tính sáng tạo độc đáo và rất mực tài hoa, uyên bác. Đoạn trích “Người lái đò sông Đà” rút ra trong tập “ Sông Đà” sáng tác năm 1960. Đây thực chất là một thiên tùy bút giàu chất kí, đậm chất thơ đánh một dấu son đỏ cho sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân sau Cách mạng. Bằng cảm quan thẩm mĩ tinh sâu, nhạy bén và một ngòi bút độc đáo vô song, Nguyễn Tuân đã khám phá ra chất “vàng mười đã qua thử lửa” của tâm hồn vùng Tây Bắc ở cuộc sống mới của đất nước qua hình tượng người lái đò sông Đà tài hoa và trí dũng.

Tham khảo thêm: Phân tích chi tiết hình tượng người lái đò sông Đà

Phân tích vẻ đẹp hình tượng người lái đò sông Đà

     Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, nhà văn Nguyễn Tuân tùy vẫn say mê dịch chuyển nhưng không đi trong tâm trạng “thiếu quê hương” mà sống trong lòng quê hương để khám phá, ca ngợi cái đẹp, cái thật mà ông gọi là “chất vàng ròng”. Sau những chuyến đi thực tế lên miền Tây Bắc, tập “Sông Đà” gồm mười lăm bài ký, tùy bút và một bài thơ dưới dạng phác thảo là kết quả nghệ thuật vô giá mà ông gặt hái được từ cuộc sống mới, con người mới ở nơi đây. Tùy bút “Người lái đò sông Đà” là một thiên anh hùng ca, một công trình nghệ thuật tuyệt mĩ kết tinh cả cái tài và cái tâm của Nguyễn Tuân đối với nhân dân, đất nước. Có thể sơ qua vài nét về ngọn nguồn, lai lịch của sông Đà với cảm hứng nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân qua tác giả Nguyễn Quang Bích:

“Chúng thủy giai đông tẩu

Đà giang độc bắc lưu”.

Sông Đà ở thượng nguồn Tây Bắc rất khoái trá, khác thường bởi trong khi mọi dòng sông đều chảy về hướng đông thì chỉ riêng sông Đà ngược lại về phía bắc. Nguyễn Tuân đã có những khảo cứu công phu và điều tra xác thực về ngọn nguồn, lai lịch của dòng sông. Sông Đà “khai sinh” từ Trung Quốc, sau đó “ nhập tịch” tại Việt Nam. Nó khởi nguồn từ ngọn núi ác phía chân trời xa nên đoạn thượng nguồn rất dữ dội, dữ dằn, lắm ghềnh thác. Không chỉ vậy, sông Đà còn hiện lên với vẻ trữ tình, là một dòng sông “thiếu nữ”, một dòng sông cổ tích tuổi thơ. Ông đã cảm nhận dòng sông ở nhiều thời điểm, nhận thấy sự thay đổi màu sắc và để từ đó nhận ra những vẻ đẹp tiềm ẩn của một sinh thể đầy cá tính, tính cách, biết sống hết mình giữa đất trời Tây Bắc.

Khi đọc tùy bút này, Nguyễn Tuân đã làm nổi bật chân dung của một người lao động vô danh, vừa là người lao động vừa là người nghệ sĩ. Tuy nhiên ta cần đặt ra câu hỏi, tại sao tác giả không đặt một cái tên cho nhân vật, mà lại là vô danh? Miêu tả một nhân vật anh hùng nhưng lại là nghệ sĩ, dụ ý của Nguyễn Tuân là gì? Có thể thấy, chủ nghĩa anh hùng và kỳ tích không chỉ có trong mặt trận chiến đấu mà còn ở trong mặt trận lao động. Ở đây, ông lái đò là hình ảnh tiêu biểu cho biết bao nhiêu con người lao động trên khắp mọi miền tổ quốc đang ngày đêm góp công sức nhỏ bé của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Người lái đò sông Đà không xuất hiện trên bề mặt cuộc sống mà còn náu mình, còn khuất lấp ở một mảnh đất vốn hoàn vũ, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhất là những con người lao động bình dị, đang lặng thầm chinh phục thiên nhiên hiểm ác để góp mình xây dựng cho cuộc sống của quê hương đất nước ngày thêm tươi sáng, vững bền. 

Con sông Đà chính là môi trường lao động của người lái đò. Trên cái nền lao động của thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ và dữ dội hiện lên bức chân dung của người lái đò vô danh nhưng lại có tay lái ra hoa. Mỗi đường chèo của ông như làm nảy sinh bao cái đẹp cho đời. Và ở đây, ông đò hiện lên với ba vẻ đẹp chính, đó là sự kinh nghiệm từng trải nơi sông nước, sự dũng cảm kiên cường qua cuộc vượt thác và sự ung dung pha chất nghệ sĩ khi trở về cuộc sống đời thường.

Trước hết, để đối mặt với con sông Đà hung bạo, với hơn mười năm kinh nghiệm và hơn một trăm lần trực tiếp cầm lái chèo, ông đò phải là một người hiểu biết tường tận về con sông này. Ông là một người ưa mạo hiểm bởi nghề chèo đò là một công việc cực kỳ nguy hiểm. Ông am hiểu từng thác nước sông Đà, “đá tướng, đá quân, nhớ như đóng đinh vào từng vực xoáy luồng chết, hiểu binh thư binh pháp của thần sông, thần đá.” Bên cạnh đó, cuộc đấu với hung thần sông Đà với đầy đủ tướng tợn, quân đông là một cuộc chiến không cân sức. Một bên là ông đò với vóc dáng bé nhỏ đơn độc, tuổi đã cao chỉ có con thuyền mỏng manh làm vũ khí chiến đấu, không hề có đôi cánh nhưng lại mang sức mạnh thần thánh của dũng sĩ Hecquyn trong thần thoại Hy Lạp. Một bên kia là kẻ địch, con sông Đà hung hãn man dại, trùng trùng sóng thác hiểm nguy và cực kỳ nham hiểm, xảo quyệt. Ông lái đò một mình lạc giữa thế giới độc dữ mặc cho kẻ thù đánh những đòn hiểm độc nhất ông vẫn bình tĩnh, tự tin gan góc, quả quả vượt qua trận đồ bát quái lắm cửa tử, ít cửa sinh. Ông biến cây chèo trong tay thành một thứ vũ khí phá ải, diệt thành như một dũng sĩ bách chiến bách thắng trong sự nghiệp chinh phục thiên nhiên ghềnh thác.

Phân tích hình tượng người lái đò sông Đà

Qua đôi bàn tay tài hoa của Nguyễn Tuân, người lái đò sông Đà hiện lên là một tướng sĩ, một người nghệ sĩ tài hoa trong cuộc vượt thác, leo ghềnh. Ông lái đò sẵn sàng đối mặt với thác dữ, chinh phục những cửa tử, cửa sinh; sẵn sàng vượt qua ba trùng vi thạch trận và những vòng tuyến đầy nguy hiểm bằng những hành động dũng cảm, táo bạo và đầy tính chuẩn xác. Đó chính là hình ảnh của một vị chỉ huy, một vị tướng dày dạn kinh nghiệm và vô cùng bản lĩnh. Ở trùng vi thứ nhất, trên quãng sông này, thủy quái sông Đà dàn ra năm cửa đá, có đến bốn cửa tử và một cửa sinh duy nhất. Không những thế, nó còn huy động sức mạnh của sóng thác và đá hòng ăn chết con thuyền. Có lúc mặt nước hò la vang dậy, có lúc như thế quân “liều mạng thúc gối vào bụng, vào hông thuyền”, lại có lúc “đội cả thuyền lên” nhầm “tóm lấy thắt lưng ông đò”. Thậm chí, chúng còn đánh đòn trả, đòn âm vào chỗ hiểm. Kết quả là sóng thác “ùa vào mà bẻ gãy cán chèo”; và khi nó từng “miếng đòn hiểm độc nhất”, người lái đò tuy mặt méo bệch nhưng vẫn cố gắng tỉnh táo chỉ huy con thuyền lướt đi sao cho đúng vào đường sinh. Ở trùng vi thứ hai, dòng sông đã thay đổi cả sơ đồ phục kích bát quái và chiến thuật. Nó bố trí nhiều cửa tử hơn và cửa sinh nằm lệch bờ hữu. Lúc này dòng thác cuồn cuộn xiết “như dòng  thác hùm beo” nhưng do đã nắm vững binh pháp của thần sông thần đá, ông đò lập tức thay đổi ngày chiến thuật. Chỉ với một câu văn, nhà văn Nguyễn Tuân đã khắc họa được chân dung của ông lái đò, giống như một vị tướng sĩ trong chỉ huy mặt trận sau khi nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng ông lái đò ra sức ghì cương lái, bám chắc theo luồng nước sao cho đúng rồi phóng nhanh vào cửa sinh, lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy. Có chỗ ông tránh để mà rảo bơi chèo, lại có chỗ đè sấn lại mà chặt đôi ra. Thế là con thuyền vượt qua trùng vây thứ hai, khiến cho sóng thác và đá sông Đà phải “tiu nghỉu cái mặt xanh lè” tuy hung hăng dữ tợn. Và không một phút nghỉ ngơi, cũng giống như ở trùng vây thứ hai, người lái đò ngay lập tức đối mặt với trùng vây thứ ba. Nơi đây tuy ít cửa tử hơn song bên phải, bên trái đều là luồng chết, của sinh lại nằm ngay chính giữa của dòng sông và có bọn đá hậu vệ canh gác. Nhưng bằng một lòng quả cảm, dày dặn kinh nghiệm và sự điêu luyện , thành thục qua năm tháng dài trong công việc, ông đò tiếp tục chỉ huy con thuyền vượt qua trùng vi này một cách ngoạn mục. Nguyễn Tuân đã rất tinh tế khi đưa vào đây những động từ mạnh kết hợp với nhịp điệu nhanh, gấp gáp cùng nghệ thuật so sánh “ thuyền như một mũi tên tre” để mà qua đây, hiện lên trước mắt chúng ta tất cả vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ của ông lái đò, như một người nghệ sĩ đang làm xiếc biểu diễn trên dòng sông Đà.

Tuy nhiên, sau cuộc vượt thác trở về với cuộc sống đời thường, ông đò lại hiện lên với vẻ ung dung, tự tại thưởng thức cuộc đời. Ông lại tiếp tục với việc đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam mà chẳng bàng lại một lời nào về cuộc chiến đấu, chiến thắng vang dội vừa qua mà chỉ bàn tán về cá anh vũ, cá dầm. Ngày qua ngày, ông lại ngược xuôi sông nước, lại tiếp tục với cuộc sống mưa sinh của mình. Ông buộc một cái bu gà vào mũi thuyền để có tiếng gà gáy mang theo cho đỡ nhớ bản Mường, khúc vĩ thanh của bản giao hưởng thật êm đềm, thanh thoát mà đầy chất nghệ sĩ. 

Bằng tri thức quân sự, võ thuật, điêu khắc, binh pháp của mình, Nguyễn Tuân đã sử dụng một cách triệt để, sáng tạo khiến cho việc miêu tả cuộc chiến của ông lái đò với cửa ải trở nên giống như một trận đánh vô cùng hấp dẫn, biến ảo. Qua đó làm hiện lên trên cái nền độc dữ, nham hiểm hung bạo của con sông Đà là hình ảnh suy nghĩ lồng lộng của người lái đò trong tư thế chinh phục và chiến thắng. Đó cũng chính là quan niệm mới mẻ của Nguyễn Tuân về những con người tài hoa, nghệ sĩ, về chủ nghĩa con người Việt Nam trong cuộc sống đời thường.

Tham khảo thêm: Phân tích chi tiết bài thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu Ngữ văn lớp 11

“Người lái đò sông Đà” là một áng văn đẹp được làm nên từ tình yêu thương thiết tha của một con người yêu nước say đắm muốn dùng văn chương của mình để ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên vừa kỳ vĩ, hào hùng vừa trữ tình, thơ mộng và nhất là của con người lao động trầm lặng bình dị ở miền Tây Bắc. Ông đò hiện lên tài hoa trí dũng với chất vàng mười đã qua thử lửa qua việc lồng ghép cuộc chiến đấu với con sông Đà hung bạo. Tác phẩm còn cho ta thấy công phu lao động nghệ thuật khó nhọc, cùng sự tài hoa, uyên bác của người nghệ sĩ Nguyễn Tuân trong việc dùng chữ nghĩa để tái tạo những kỳ công của tạo hóa và những kỳ tích lao động của con người.

>>> Xem thêm tin:

5/5 (2 bình chọn)