Phân tích chi tiết nhất bài thơ Tự Tình của nữ sĩ Hồ Xuân Hương

By   Administrator    06/02/2020

Được mệnh danh là bà chúa thơ Nôm, thơ Hồ Xuân Hương hấp dẫn bởi nhiều yếu tố. Trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến bài thơ “Tự Tình II” là một trong ba chuỗi “Tự Tình” của nữ sĩ.

  Cuối thế kỉ XVII nửa đầu thế kỉ XIX được xem là giai đoạn thành công nhất của nền văn học trung đại Việt Nam. Trong giai đoạn này, người ta vẫn thường hay nhắc tới nữ văn sĩ Hồ Xuân Hương – Bà chúa thơ Nôm. Hồ Xuân Hương đã có những đóng góp to lớn vào nền thơ ca của dân tộc. Bằng việc mang những nỗi niềm, gai góc trong cuộc đời của chính mình hay cũng chính là của những người phụ nữ trong xã hội xưa, thơ Hồ Xuân Hương đã ngấm sâu vào trong tiềm thức của người đọc. Và có lẽ tác phẩm tiêu biểu nhất phải kể đến bài thơ “Tự Tình II”  là một trong ba chuỗi “Tự Tình” của nhà thơ.

Phân tích Tự Tình

  Hồ Xuân Hương được sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở Quỳnh Lưu – Nghệ An nhưng lại sống chủ yếu ở kinh thành Thăng Long. Bà là một nữ thi sĩ đa tài đa tình, thông minh, bản lĩnh, phải trải qua rất nhiều éo le, bi kịch trong cuộc đời và được coi là một hiện tượng rất độc đáo trong giai thoại phát triển nền thơ ca nước nhà.  Là nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ, nổi bật trong sáng tác thơ Nôm của bà là tiếng nói thương cảm, khẳng định và đề cao khao khát được sống hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội đương thời. Thơ của Hồ Xuân Hương trào phúng, trữ tình và đậm chất văn học dân gian.

  Trong suốt sự nghiệp văn chương của mình, Hồ Xuân Hương thường viết theo phong cách thơ Đường: thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt… Tuy nhiên, bà luôn cố gắng Việt hóa thơ Đường, biến chất thơ chung thành chất thơ riêng biệt, đặc trưng. Nếu như đề tài trong thơ Đường thường hướng tới những điều trang trọng, nhã nhặn, lớn lao như cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tình yêu quê hương đất nước… với những hình ảnh tượng trưng ước lệ thì đến với thơ Hồ Xuân Hương đề tài là về cuộc sống thường ngày là tâm tư tình cảm của con người với những hình ảnh, ngôn từ gần gũi, quen thuộc như quả mít, bánh trôi nước… Chính vì thế bà được Xuân Diệu ưu ái đặt cho cái tên Bà chúa thơ Nôm.

Tham khảo thêm: Phân tích bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng

  Hồ Xuân Hương đã gửi vào “Tự Tình II” những lời tâm sự về nỗi đau số phận, nỗi đau về một cuộc sống hạnh phúc không trọn vẹn và những khao khát cháy bỏng về tình yêu đôi lứa của một người con gái lận đận tình duyên khi quá lứa lỡ thì bằng cách thức rất mạnh mẽ, đầy bản lĩnh nhưng cũng rất tình cảm và lắng đọng.
Hai câu đề:

                  ‘Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
                  Trơ cái hồng nhan với nước non”

  Câu thơ khai đề tái hiện nên nỗi buồn tủi, chán chường của nhà thơ trong bối cảnh không gian và thời gian. Thời gian là vào lúc “đêm khuya” khi mà vạn vật và con người chìm vào trong giấc ngủ, nghỉ ngơi sau một ngày dài mệt nhọc, vất vả. Trạng thái ngủ khiến đầu óc, tâm trí của con người được thả lỏng, thư giãn. Tuy nhiên, đây cũng chính là quãng thời gian khiến những con người còn thức dễ rơi vào trạng thái suy nghĩ, đối diện với chính mình, tự vấn lòng và tự suy xét. Thời gian ấy còn kéo theo âm thanh của “trống canh dồn”. Thời xưa, trống chuyển canh được coi là một dấu hiệu để nhận biết thời gian, người ta chia ngày thành sáu khắc, đêm thành bảy canh, cứ qua mỗi canh mỗi khắc lại có tiếng trống báo hiệu. Như vậy, vào ban đêm tiếng trống đấy đáng ra phải thong thả, chậm rãi nhưng tác giả lại sử dụng từ “dồn”. Sự dồn dập này chính là sự dồn dập trong tâm tưởng của nhà thơ. Chứng tỏ, con người ở đây đang chất chứa nhiều tâm tư, nỗi niềm để phải thao thức trong đêm khuya. Cảm nhận được bước đi vội vã của thời gian hẳn là đang mang tâm trạng lo lắng, bất an và rối bời. Đến với bối cảnh không gian, Hồ Xuân Hương đã sử dụng bút pháp nghệ thuật dân gian rất quen thuộc: lấy động tả tĩnh qua từ “văng vẳng”. Đây là một âm thanh từ xa vọng lại, gợi cho ta một khoảng không gian bao la, rộng lớn nhưng hết sức tĩnh lặng, im ắng đến nỗi có thể nghe được tiếng lặng từ xa. Trong không gian ấy, hình ảnh con người hiện ra thật nhỏ bé, cô đơn và trơ trọi.

Sau khi gợi ra nỗi buồn tủi, chán trường của con người thì nhà thơ diễn tả trực tiếp qua câu thừa đề bằng những từ ngữ gây ấn tượng. Nhấn mạnh từ “trơ” bằng cách sử dụng biện pháp đảo cấu trúc câu và cách ngắt nhịp phá cách 1/3/3. Vậy nhà thơ đang ám chỉ điều gì? “trơ” được nhấn mạnh để khắc nên nỗi đau xót, tủi hổ, lẻ loi trước những éo le, bi kịch trong cuộc đời mình. Ngoài ra “trơ” gợi sự “trơ lì” thể hiện bản lĩnh, cá tính của Hồ Xuân Hương như đang thách thức đối với cuộc đời. Đồng thời chia câu thơ thành hai về đối lập một bên là “cái hồng nhan” là thân phận người phụ nữ và “non nước” là cuộc đời rộng lớn, là xã hội đương thời. Vâng, chỉ là một người phụ nữ vô cùng nhỏ bé, đơn độc là phái yếu lại phải đối đầu với đầy rẫy những bi kịch số phận, với xã hội phong kiến bất công, ngang tàn. Một nghịch cảnh không cân đối, người phụ nữ thật đáng thương, tội nghiệp.
Hai câu thực:

            “ Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
            Vừng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

   Hai câu thơ trên là sự gắng gượng tìm quên đi nỗi đau buồn tủi của nhà thơ nhưng luôn rơi vào bế tắc. Đầu tiên, Xuân Hương tìm đến men rượu. Bà sử dụng cặp từ đối lập “say” “tỉnh” thể hiện vòng luẩn quẩn, lặp đi lặp lại. Khi ta say ta quên hết niềm đau, niềm khổ, nhưng đó chỉ là cái tạm thời, tỉnh men rượu ta càng thấm thía rồi lại tìm đến say. Cứ say rồi lại tỉnh, cứ tỉnh rồi lại say. Hồ Xuân Hương rơi vào bế tắc cuộc đời mà quanh quẩn không thể thoát khỏi nó. Càng bất lực, càng bế tắc bà chọn cách thứ hai là đắm mình vào thiên nhiên. Cụ thể là vầng trăng, hình ảnh vầng trăng hiện lên phi logic, thông thường trăng khuyết rồi bắt đầu chuyển sang tròn dần dần đến xế tàn, nhưng trong thơ Hồ Xuân Hương vầng trăng ấy lại chỉ có xế và khuyết chứ chưa tròn. Hình ảnh lại trở nên vô cùng có lý đối với Hồ Xuân Hương. Đây là một hình ảnh ẩn dụ kép nói về chính cuộc đời của bà. Đã trải qua tuổi thanh xuân tươi đẹp, đến thời xế tàn nhưng chưa một lần được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Vầng trăng khuyết cũng như cuộc đời hao khuyết của Xuân Hương, với đầy rẫy những éo le về tình duyên: đã quá lứa, lấy chồng muộn lại phải làm vợ lẽ chịu kiếp chung chồng sau đó thì chồng mất lại chịu kiếp góa chồng. Người con gái có tài có sắc ấy chưa từng biết đến hương vị tròn trịa của tình yêu đôi lứa. Như vậy, dù có cố tìm quên thế nào thì vẫn còn đó một Hồ Xuân Hương vô cùng tỉnh táo, càng trở nên đau xót, bẽ bàng.
Hai câu luận:

                  “Xuyên ngang mặt đất, rêu từng đám
                  Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

Phân tích Tự Tình của nữ sĩ Hồ Xuân Hương
 

  Tác giả đã sử dụng rất linh hoạt, tài tình nghệ thuật đảo ngữ ở cả cấp độ câu và cấp độ từ để nhấn mạnh vào tâm trạng của con người. Hình ảnh “rêu” là một loài rất nhỏ bé và yếu ớt nhưng lại xuyên ngang mặt đất. “Đá” vô tri, vô giác nhưng lại có những vận động mạnh mẽ đâm toạc chân mây. Hồ Xuân Hương miêu tả các hình ảnh này với các động từ chỉ hành động rất mạnh mẽ, quyết liệt “xuyên ngang” “đâm toạc”. Đây chính là phong cách của Hồ Xuân Hương. Một người phụ nữ rất bản lĩnh, ngang ngược, đau đớn xót xa nhưng bà không hề cam chịu, sẵn sàng thách thức đối diện với cuộc đời ngang trái. Hay cũng chính là tiếng nói thay cho nỗi lòng của những người phụ nữ xưa. Họ phải chịu những lề thói, quy củ hà khắc bất công nào là xuất giá tòng phu, tại gia tòng phụ, tam tòng tứ đức… Họ không làm chủ được cuộc sống cũng như hạnh phúc của mình, họ chỉ nhận lại được sự rẻ rúng, coi thường, khinh miệt. Hồ Xuân Hương hiểu được nỗi lòng ấy mà oán ức, căm phẫn, phản kháng một cách quyết liệt. Bà muốn thoát khỏi, dẫm đạp lên xã hội đương thời, muốn vứt bỏ đi số phận hẩm hiu buồn tủi thay vào đó là khao khát về tình yêu về sự làm chủ cuộc đời và quyền được hạnh phúc. Có thể nói, chỉ có Hồ Xuân Hương và cũng chỉ có trong thơ Hồ Xuân Hương mới có sự khác biệt, độc đáo, tài tình đến như vậy.

Hai câu kết:
                “ Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
                  Mảnh tình san sẻ tí con con”
 
  Điệp từ “xuân” hiện ra như một vòng tuần hoàn thời gian. Đó là mùa xuân của đất trời tồn tại vĩnh hằng, từ năm này qua năm khác. Mùa xuân ấy mang vẻ đẹp tươi mới, khiến cho thiên nhiên bừng tỉnh sức sống khiến cho con người an tâm tĩnh tại. Vậy tại sao thi sĩ lại ngán ngẩm với xuân? Ấy là mùa xuân trong bốn mùa, còn đối với Hồ Xuân Hương, “mùa xuân” cũng chính là tuổi xuân của người phụ nữ. Mỗi một lần lặp lại của mùa xuân là một lần tuổi xuân lại trôi qua, con người lại già đi. Xuân của trời đất thì ra đi có thể quay lại còn thanh xuân tươi đẹp của một người con gái thì làm sao có thể quay lại nữa. Trong quãng tuổi xuân đẹp nhất, ngời nhất của cuộc đời Hồ Xuân Hương chưa từng được hưởng hạnh phúc, cảm nhận được tình yêu. Bà cảm thấy phí hoài, ngao ngán trước thước đo thời gian.

“Mảnh tình” thể hiện một tứ tình cảm không trọn vẹn, mỏng manh, ít ỏi. Thế mà lại còn đi “san sẻ” vậy còn lại bao nhiêu? Tình yêu trở nên vô cùng xa hoa đối với những người phụ nữ xưa. Đàn ông thì năm thê bảy thiếp, đàn bà thì chịu cảnh chồng chung. Quá bất hạnh, quá đáng thương và đau đớn. Nhịp thơ 2/2/3 chia câu thơ cuối cùng rời rạc như một lời than thở của Hồ Xuân Hương vào cuộc đời vào xã hội phong kiến đương thời.

Tham khảo thêm: Phân tích bài thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu

  Như vậy, “Tư Tình” bằng việc sử dụng những biện pháp nghệ thuật dân gian tài hoa, từ ngữ phong phú, phá cách Hồ Xuân Hương đã thể hiện được tâm trạng, hoàn cảnh của bản thân cũng như tính cách, bản lĩnh khác người. Bài thơ là tiếng nói thương cảm, bênh vực của nhà thơ đối với thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Ca ngợi vẻ đẹp của họ và khẳng định khao khát về tình yêu, hạnh phúc. Đồng thời đóng góp xuất sắc giá trị nhân đạo và hiện thực vào kho tàng văn học trung đại Việt Nam. 

>> Tham khảo thêm:

5/5 (2 bình chọn)