Maslow là gì? Tìm hiểu chi tiết về tháp nhu cầu Maslow hiện tại

By   Administrator    14/09/2019

Hệ thống cấp bậc nhu cầu của Maslow thường được thể hiện dưới dạng một hình kim tự tháp, các nhu cầu ở bậc thấp thì càng xếp phía dưới.

Đã bao giờ bạn nghĩ nhu cầu của mỗi con người là giống nhau? Điều này dường như thật khó tin, khó tin đến mức phi lý bởi bản thân mỗi con người là một cá thể riêng biệt, riêng biệt từ ngoại hình, hoàn cảnh sống, màu da, tôn giáo… đến tính cách, suy nghĩ, cảm xúc… nên ắt hẳn nhu cầu cũng không thể giống nhau. Tuy nhiên, thật kỳ diệu vì trên thực tế, tất cả các nhu cầu của con người đều “giống nhau”, được phân loại chung và có thể lý giải hoàn toàn bởi Tháp nhu cầu Maslow. 

Dù đã được nghe hay biết về nó hay chưa thì với mỗi con người, Tháp nhu cầu Maslow vẫn luôn là phạm trù mới mẻ, gây tò mò, càng tìm hiểu càng hấp dẫn và nhiều bất ngờ. Vậy,bạn có thắc mắc: Tháp nhu cầu Maslow là gì?, cấu trúc thế nào?, có ý nghĩa ra sao?, Tháp nhu cầu Maslow trong quản trị là gì? Cùng giasusinhvien.net tìm hiểu ngay bài viết dưới đây nhé!

Tháp nhu cầu của Maslow

1. Giới thiệu tổng quát về Tháp nhu cầu Maslow

Tháp nhu cầu Maslow( Maslow’s Hierarchy of Needs) được nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Abraham Maslow( 1908- 1970) giới thiệu lần đầu tiên trong một bài viết của ông: A Theory of Human Motivation( tạm dịch: Học thuyết về động cơ của con người) vào năm 1943. Từ đó, dưới những tên gọi khác nhau( Thuyết nhu cầu Maslow, Thang nhu cầu, nhu cầu Maslow…), Tháp nhu cầu Maslow tồn tại đến tận ngày nay và trở thành một trong những học thuyết được biết đến và áp dụng rộng rãi nhất trong tất cả các lĩnh vực cuộc sống.

Tham khảo thêm: Nguyên tắc SMART là gì?

2. Cấu trúc Tháp nhu cầu Maslow

Theo các nhà khoa học, nhu cầu của con người là cảm giác thiếu hụt và mong muốn lấp đầy sự thiếu hụt đó. Nói cách khác, nhu cầu là sự đòi hỏi, mong muốn, nguyện vọng của con người về cả tinh thần và vật chất để có thể sống, tồn tại và phát triển. Trong cuộc sống hàng ngày, nhu cầu của con người được biểu đạt tổng quát nhất bằng ba cụm từ với mức độ nhu cầu tăng dần: “Tôi cần…” , “Tôi muốn …” và “Tôi thích …”. 

Trước Maslow với Tháp nhu cầu, chưa nhà khoa học nào có thể lý giải câu hỏi: “ Vậy thực chất, nhu cầu của tất cả con người cụ thể là những gì và gồm những gì?” hay phân chia một cách cụ thể cũng như toàn diện các nhu cầu của con người.

3. Phân tích 5 tầng của Tháp nhu cầu Maslow

Đúng như tên gọi, Tháp nhu cầu Maslow là một biểu đồ dạng tháp hình tam giác được dùng để biểu thị sự phân chia và phân loại các nhu cầu của con người theo quan điểm của Abraham Maslow.

Ban đầu, Tháp nhu cầu Maslow gồm 5 tầng, rộng ở phía đáy và nhọn dần về phía đỉnh, tương ứng với 5 tầng nhu cầu của con người. Các tầng đáy tháp tương ứng với các tầng nhu cầu cơ bản( basic needs) còn các tầng dần về phía đỉnh tháp tương ứng với các nhu cầu bậc cao hơn( meta needs). Chúng ta cùng đi phân tích năm tầng nhu cầu của Tháp nhu cầu Maslow:

3.1. Tầng 1( tầng đáy tháp): Nhu cầu sinh lý (Physiological needs)

Tầng này gồm các nhu cầu sinh lý cơ bản nhất: ăn, uống, ngủ, không khí, tình dục, bài tiết… Đây là những nhu cầu bức thiết và chung nhất của mỗi con người, đảm bảo cho con người có thể tồn tại. Chắc chắn rằng không một ai có thể sống khi thiếu các nhu cầu này.

Đây cũng là những nhu cầu đầu tiên mỗi con người hướng đến và mong muốn đạt được. Nó cũng ảnh hưởng đến các hành vi của con người. Do đó, con người nỗ lực, phấn đấu, thậm chí cạnh tranh với nhau để đạt được chúng.

Nếu con người không được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu sinh lý cơ bản nhất này thì sẽ không thể phát sinh các nhu cầu khác ở bậc cao hơn. Dĩ nhiên, không ai nói rằng: “Tôi không cần ăn uống hay ngủ nghỉ nhưng tôi cần sống trong ngôi nhà an toàn, trong một tập thể hòa đồng, tích cực.”, phải không?

3.2. Tầng 2: Nhu cầu về an toàn - được bảo vệ (Safety needs)

Tầng 2 là những nhu cầu của con người về việc được đảm bảo an toàn về thân thể, sức khỏe, gia đình; từ chỗ ở, cuộc sống hàng ngày đến nơi làm việc…

Khi các nhu cầu sinh lý đã được đáp ứng và không còn là nhu cầu “thiếu”; con người sẽ hướng tới nhu cầu cao hơn là mong được sống trong mối trường an toàn, lành mạnh, được bảo vệ khỏi những điều nguy hiểm.

Đây cũng là một tầng nhu cầu “thấp” và khá cơ bản của con người, phát sinh ngay sau khi các nhu cầu sinh lý đã được thỏa mãn.

Tầng nhu cầu này được biểu hiện như: Khi bạn có cuộc sống không mấy dư dả, phải lo lắng nhiều cho các khoản chi tiêu về ăn uống, ngủ nghỉ thì bạn hoàn toàn có thể sống ở một phòng trọ chật hẹp nằm sâu trong ngõ, an ninh không được đảm bảo tốt. Tuy nhiên, ngay khi cuộc sống của bạn dư dả hơn, bạn không cần phải quá lo lắng về các khoản chi tiêu cho ăn uống, ngủ nghỉ nữa thì ngay lập tức, bạn sẽ nghĩ đến chuyện chuyển đến một phòng trọ hay ngôi nhà mới rộng hơn, an ninh tốt hơn…

3.3. Tầng 3: Nhu cầu xã hội- kết nối( Love/ Belonging needs)

Đây là những nhu cầu của con người về các mối quan hệ xã hội như: muốn được sống trong gia đình yên ấm, muốn có những người bạn đáng tin cậy hay là một phần trong một cộng đồng, tập thể hữu ích…

Không ai trong chúng ta có thể sống tách biệt hoàn toàn với thế giới và những con người khác. Chúng ta nằm trong vô vàn những mối quan hệ phức tạp khác nhau từ gia đình, người thân, bạn bè đến các mối quan hệ đồng nghiệp, xã giao. Các mối quan hệ xã hội cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách, hành vi của mỗi con người. Do đó, chúng ta muốn được kết nối với mọi người, kết nối với xã hội một cách có hiệu quả nhất. 

Đây là một nhu cầu bản năng của mỗi con người, một nhu cầu bậc cao hơn, phát sinh sau khi được đáp ứng các nhu cầu sinh lý và nhu cầu an toàn- được bảo vệ.

Tầng nhu cầu này được thể hiện thông qua việc chúng ta luôn tìm kiếm cho mình những người bạn có thể hiểu và chia sẻ với mình, những người cộng sự ăn ý hay một người yêu “tâm đầu, ý hợp”…

Tìm hiểu về tháp nhu cầu maslow

3.4. Tầng 4: Nhu cầu được tôn trọng( Esteem needs)

Tầng 4 là một tầng nhu cầu hai chiều, gồm những nhu cầu muốn được người khác quý trọng, tin tưởng cũng như những nhu cầu tự tin vào chính mình, tự tôn trọng suy nghĩ, ý kiến, con người của bản thân . 

Việc được đáp ứng các nhu cầu này có thể khiến một đứa trẻ vâng lời và học tập tích cực hơn hay một người trưởng thành cảm thấy thoải mái, tự do, có nhiều năng lượng để làm việc và đạt hiệu quả cao hơn.

3.5. Tầng 5: Nhu cầu được thể hiện bản thân( Seft- Actualizing needs)

Tầng 5 là tầng nhu cầu cao nhất theo Tháp nhu cầu Maslow và cũng là tầng nhu cầu khó đạt được nhất. 

Theo giải thích của chính Maslow, nhu cầu được thể hiện, khẳng định bản thân là nhu cầu của cá nhân muốn được làm chính mình, muốn được làm những cái phù hợp như “sinh ra để dành cho mình”, “sinh ra để làm”(“ born to do”).  Điều đó có nghĩa là: Khi một người đã tìm ra lẽ sống của đời mình, cả đời theo đuổi lẽ sống đó và đạt được những thành quả có ích cho xã hội thì người đó sẽ đạt đến trạng thái thỏa mãn cao nhất và chính thức đạt đến bậc thứ 5 trong Tháp nhu cầu.

Cũng theo Maslow, chỉ có khoảng 1% con người đạt được mức này. Họ là những nhà bác học, thiên tài, nhà khoa học nổi tiếng… đã đạt được những thành tựu lớn trong lĩnh vực của mình và được cả xã hội công nhận.

Sau Maslow, nhiều người đã phát triển thêm vào Tháp nhu cầu các tầng khác nhau:

• Tầng Cognitive needs: Nhu cầu về hiểu biết, nhận thức: Biểu hiện dễ thấy nhất của tầng nhu cầu này chính là nhu cầu được học tập, đọc sách để nâng cao kiến thức…

• Tầng Aesthetic needs: Nhu cầu về thẩm mỹ.

• Tầng Seft- transcendence needs: Nhu cầu siêu nghiệm.

Mặc dù đã được phát triển thêm thành các Tháp nhu cầu 7 hay 8 bậc nhưng Tháp nhu cầu Maslow gồm 5 bậc vẫn là tháp nhu cầu được công nhận, nhận diện, phổ biến, sử dụng và ứng dụng rộng rãi nhất hiện nay.

Tham khảo thêm: 10 Gợi ý để có cách sống vui vẻ lạc quan trong cuộc sống

4. Ý nghĩa của Tháp nhu cầu Maslow

Ngay từ khi được giới thiệu, Tháp nhu  cầu của Maslow đã gây tiếng vang lớn và nhận được sự công nhận, ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình từ giới chuyên môn cũng như công chúng. Qua đó, cho thấy sự ảnh hưởng cũng như ý nghĩa to lớn của nó:

• Qua Tháp nhu cầu, Maslow đã rất thành công khi phân chia những nhu cầu của con người thành 5 bậc chung. Từ đó, đưa ra những khái niệm, quan điểm, phân tích cụ thể, chính xác, toàn diện về những nhu cầu của con người thay vì những câu nói biểu đạt nhu cầu của con người một cách chung chung: “ Tôi cần …”, “ Tôi muốn …”, “ Tôi thích …”.

   Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng nhu cầu của tất cả con người tại một thời điểm là không giống nhau. Nhu cầu của mỗi người còn phụ thuộc vào hoàn cảnh, thời điểm và việc người đó đã đạt đến tầng nào của Tháp nhu cầu.

• Các tầng nhu cầu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và được sắp xếp theo một trật tự nhất định. Do đó, Tháp nhu cầu của Maslow cũng làm rõ mối quan hệ giữa các tầng nhu cầu của con người: Các nhu cầu ở tầng thấp hơn là các nhu cầu cơ bản hơn, các nhu cầu ở tầng cao hơn là các nhu cầu bậc cao hơn. Các nhu cầu cơ bản luôn là những nhu cầu đầu tiên của con người và được con người ưu tiên giải quyết trước khi phát sinh những nhu cầu cao hơn. Các nhu cầu cơ bản cũng là nền tảng cốt lõi nâng đỡ, phát triển các các nhu cầu bậc cao và khó đạt được hơn.

• Tháp nhu cầu Maslow đã mở ra trang mới, hướng đi mới cho việc nghiên cứu, phân tích chuyên sâu về hành vi, động cơ của con người. Các nhà khoa học và các nhà tâm lý học khẳng định rằng tất cả hành vi của con người đều xuất phát từ nhu cầu của họ.

 Ví dụ như: Một đứa trẻ muốn được khen nên có những hành động ngoan ngoãn, lễ phép và cố gắng học tập tốt… 

• Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Công Vinh - Trưởng ban cố vấn chiến lược Trung tâm đào tạo Hồn Việt: “Mọi thứ trên đời này đều có thể được giải thích bởi Tháp nhu cầu Maslow. Từ những học thuyết “cây gậy, củ cải” đến hành vi của mỗi con người trong cuộc sống cũng xuất phát từ Tháp nhu cầu này”. Như vậy, Tháp nhu cầu Maslow có ứng dụng vô cùng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực từ kinh tế- xã hội dến đời sống thường ngày như kinh doanh, quản trị, đối nhân xử thế, tình bạn, tình yêu…

• Đặc biệt, trong lĩnh vực quản  trị:

+ Tháp nhu cầu của Maslow có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tất cả lĩnh vực của quản trị kinh doanh, từ quản trị nhân sự đến quản trị marketing… 

+ Nó được coi là một trong những lý thuyết nền tảng và quan trọng nhất mà bất cứ người làm quản trị nào cũng phải nắm được và “nằm lòng”. Nếu người nào có thể nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn Thuyết nhu cầu của Maslow vào việc hiểu cũng như đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của các nhân viên hay khách hàng thì chắc chắn người đó sẽ thành công trong việc quản trị.

Tham khảo thêm: Cụm từ Công ty trách nhiệm hữu hạn tiếng Anh là gì?

Như vậy, chúng ta thấy Tháp nhu cầu Maslow( hay Thuyết nhu cầu của Maslow) đã phân chia các nhu cầu của con người thành 5 tầng theo thứ tự từ các nhu cầu cơ bản đến các nhu cầu bậc cao hơn. Nó có ý nghĩa vô cùng to lớn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, mỗi người chúng ta đều nên tìm hiểu để biết, nắm được Tháp nhu cầu Maslow để hiểu chính những nhu cầu của bản thân mình và từ đó, vận dụng chúng để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Chúc các bạn đạt được những tầng nhu cầu bậc cao trong Tháp nhu cầu Maslow!  

Bài viết liên quan:

5/5 (2 bình chọn)