Những cách học tiếng Anh hiệu quả mà bạn cần phải biết

By   Administrator    14/10/2019

Học tiếng Anh như thế nào mới thực sự hiệu quả? Phương pháp nào giúp bạn làm chủ tiếng Anh mà không phải tốn nhiều công sức.

Bắt đầu với một ngôn ngữ mới như tiếng Anh, nếu bạn biết cách học tiếng Anh hiệu quả sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức. Nhưng nhiều người vẫn đang gặp khó khăn khi phải học một thứ tiếng khác tiếng mẹ đẻ. Không biết phương pháp học tiếng Anh hiệu quả khiến bạn chán nản, bỏ cuộc giữa chừng.

 Tiếng Anh mang lại cho bạn cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau qua đó bạn sẽ có những mối quan hệ mới, những người bạn mới... 

Chính vì vậy, bài viết dưới đây giasusinhvien.net xin giới thiệu cho bạn cách học tiếng Anh hiệu quả nhất: đơn giản, không tốn quá nhiều công sức mà vẫn đạt được theo mong muốn của bạn.

Cách học từ vựng

Muốn giao tiếp được thì bạn phải có vốn từ vựng, vốn từ vựng càng nhiều, câu chuyện bạn kể càng hay, càng hấp dẫn đối với người đối diện. Làm như thế nào để vốn từ mới tiếng Anh của bạn học được nhiều và nhớ lâu? Thông thường mọi người học từ mới bằng cách viết đi viết lại nhiều lần hay học bằng thẻ flashcard nhưng chỉ được một thời gian sau thì trong số 10 người học có đến 9 người thất bại. 

Để học từ mới mà nhớ lâu cần ghép từ mới đó vào ngữ cảnh một câu nhất định. Tại sao lại như vậy? 

Ví dụ: bạn học từ “eat” nếu theo cách truyền thống, bạn phải viết nhiều lần để nhớ nghĩa và mặt chữ như eat (v): ăn nhưng khi học theo câu bạn sẽ học theo kiểu: “Lan eats a cream”

Với cách học này, bạn sẽ hiểu được ngữ cảnh mà từ được dùng trong câu. Qua đó, bạn sẽ áp dụng tương tự vào các trường hợp khác mà không cần phải quá suy nghĩ nên nói hay viết như thế nào.

Không giống với cách học đơn lập, cách học này giúp bạn nhớ nhanh và lâu hơn. Một câu nói thường diễn tả một câu chuyện, một bức tranh, một thông điệp cụ thể nên dễ nhớ hơn nhiều. Chủ thể (s) là ai, thích ăn gì, như thế nào. Đồng thời, bạn còn có thể học thêm nhiều từ mới đi kèm trong câu, như ví dụ trên bạn sẽ học được thêm từ “cream” (que kem). Rất là hữu ích khi học một mà được hai hay được nhiều hơn thế nữa.

Bạn cũng có thể học được thêm ngữ pháp trong một câu. Điều này diễn ra hoàn toàn tự nhiên. Bạn biết cách kết hợp từ này với các từ khác trong câu, không phải suy nghĩ cách chia động từ như thế nào, ghép với từ khác thì cần thêm hay bỏ những yếu tố gì. Bạn sẽ làm hoàn toàn chính xác khi bạn chủ động ghi nhớ các trường hợp tương tự. Với ví dụ trước của chúng ta: “ Lan eats a cream”. Kế hoạch định ra ban đầu là bạn muốn học từ “eat” nhưng với hoàn cảnh trong câu từ “eat” kết hợp với chủ ngữ số ít là Lan thì phải thêm “s”. Điều này sẽ giúp ích cho bạn trong tương lai khi nói “Huy eats”, “he runs”, thì bạn sẽ chủ động thêm “s” vào động từ. 

Ngoài cách học từ mới bằng phương pháp trên, bạn cũng có thể áp dụng phương pháp sau đây, không cần nỗ lực nhưng vẫn hiệu quả: đừng ép bản thân học thuộc

Đúng vậy có rất nhiều từ rất dễ nhớ như “i love you”, “happy new year”... bên cạnh đó lại có những từ lại rất khó nhớ. Lý do là vì bạn đã đi ngược lại quy tắc của não bộ, ép bộ não học. Với phương pháp này bạn cần chuẩn bị vật dụng: một quyển sổ ghi chép, cây bút và một chiếc điện thoại có cài đặt app Google dịch.

Bước 1: Ghi năm bộ phận trên cơ thể hoặc năm thứ bất kỳ xung quanh bạn, mỗi từ cách nhau một khoảng trắng, tầm 12 -15 dòng nếu là vở kẻ ngang.

Bước 2: Bật app google dịch lên và dịch các từ mà chúng ta đã ghi vào sổ lúc trước ra tiếng Anh và sau khi dịch xong rồi trên app còn hiện lên tính năng đọc từ, chúng ta hãy nhấn biểu tượng loa và nhẩm đọc theo cách đọc đó.

Bước 3: Với mỗi một từ bạn ghi trong sổ tay hãy chia ra làm ba mũi tên. Mũi tên thứ nhất là động từ (là từ chỉ hành động), mũi tên thứ hai là tính từ (là từ chỉ tính chất) và mũi tên thứ ba là danh từ liên quan. Giữa ba mũi tên đó bạn hãy để ra một khoảng trống để tiếp tục như trên. Với động từ lại chia ra làm ba mũi tên ghi ba động từ liên quan và sử dụng google dịch để dịch các từ đó sang tiếng Anh, tiếp tục đọc theo cách phát âm của từ đó. Tính từ và danh từ liên quan bạn cũng làm theo cách tương tự, riêng phần danh từ liên quan bạn không cần phải dịch sang tiếng Anh.

Lưu ý: Mỗi ngày bạn chỉ cần làm duy nhất một bộ từ liên quan đến động từ và tính từ của một từ thôi, không lấy những thứ xa lạ, không cần ép buộc bản thân mình làm hết tất cả trong một ngày.

Bước 4: Học và ôn

Phần học: Mỗi ngày lấy một từ mà chúng ta quen 

Ví dụ: cánh tay phân ra ba từ liên quan đến động từ , ba từ liên quan đến tính từ và ba từ liên quan đến danh từ. Bạn chỉ cần nhẩm đi nhẩm lại và đọc theo cách phát âm của nó là được.

Phần ôn: bạn chỉ cần bỏ ra hai phút thôi. Trong thời gian rảnh rỗi, nhìn lên cơ thể của bạn hay xung quanh để đặt ra câu hỏi: cánh tay tiếng anh là gì (arm), câu hỏi thứ hai: động từ đi theo cánh tay là gì? Thì bạn sẽ nhớ luôn là đẩy -> push, đánh -> fight, kéo -> pull. Tiếp tục đến tính từ: nhìn lên cánh tay có vết xước -> scratch, cánh tay: ngắn -> short, và ngược lại với ngắn là dài ->short. Và một nguyên tắc là hôm nay mình học được một thứ gì đó thì ngày mai không ôn lại để ngày khác chúng ta ôn. Sau khoảng thời gian một tháng hãy đặt cho mình một câu hỏi: “Liệu có còn từ nào mà mình không nhớ nữa không?”, nếu không nhớ cũng đừng nản chí, hãy lấy sổ ra nhẩm lại các từ đó.

Bước 5: Mở rộng thêm vốn từ

Ngoài những từ đã liệt kê, thì bạn có thể thêm nhiều từ khác trên bộ phận cơ thể hoặc những thứ xung quanh nữa. Một cách mở rộng thêm vốn từ nữa là chúng ta có thể liệt kê những động, tính từ vào những từ sẵn có. Ví dụ với ba động từ: push, fight, pull đã được não bộ bạn ghi nhớ thì bạn có thể thêm những từ khác: chống đẩy, gập, múa. Cứ như vậy, chúng ta ôn trong vô thức, nhìn đâu cũng thấy được từ vựng.

Tham khảo thêm: Phương pháp học từ vựng tiếng Anh hiệu quả

Cách học tiếng Anh hiệu quả

Cách học phát âm và luyện nghe

Xem phim có phụ đề tiếng Anh

Mọi người thường xem phim tiếng Anh kèm theo phụ đề tiếng Việt, điều này cũng tốt nhưng lâu ngày bạn dễ phụ thuộc vào tiếng Việt. Điều đó có nghĩa là khi xem phim bạn chỉ chú tâm vào phụ đề đó thôi mà bạn không để ý nghe nữa nên không có tác dụng gì. Bạn cần cài đặt cho mình phụ đề tiếng Anh và đừng cố ép bản thân phải hiểu hết 100%  nội dung từ ngay các lần xem đầu. Nếu bạn thích thú với bộ phim nào thì hãy xem đi xem lại nhiều lần, càng xem bạn sẽ càng hiểu nhiều hơn. Đừng bắt ép bản thân phải hiểu ngay từ đầu đến hết bộ phim với lần xem đầu tiên và liên tục dừng lại để tra từ điển các từ bạn không biết sẽ khiến bạn mệt mỏi, chán nản.

Cách quan trọng nhất của việc xem phim: không cần hiểu hết các từ vựng trong phim mà là học để thêm các từ mới cũng như hiểu ngữ cảnh mà nhân vật dùng từ đó. Ngoài sử dụng phụ đề tiếng Anh, bạn cần nghe và lặp lại những gì bạn đã nghe được. Trong một bộ phim hay chắc chắn sẽ có những câu thoại mà bạn cảm thấy thích thú, thế nên câu nào hay bạn sẽ phải nhớ về nó và nhắc lại bằng miệng, ghi ra quyển sổ tay. Việc xem phim và nhớ về các câu thoại trong phim sẽ rèn luyện cho các bạn dòng suy nghĩ bằng tiếng Anh nhưng như thế là không đủ. Việc nói ra những câu đó bằng miệng sẽ rèn cho bạn phát âm và cách biểu đạt tự nhiên.

Như vậy, với phương pháp này bạn phải nhớ đến câu nói, những tình huống trong phim mà bạn thích. Nếu thích phim nào đó bạn có thể xem đi xem lại nhiều lần đến mức có thể thuộc lời thoại của bộ phim đó luôn. Điều này thật đơn giản!

Follow những youtuber nói tiếng Anh mà bạn thích

Hiện nay trên youtube có hàng ngàn lĩnh vực bao quanh cuộc sống từ công nghệ, khoa học, dinh dưỡng, sắc đẹp... Bạn chỉ cần follow những kênh mà bạn thích, ưu tiên những kênh lớn và có đầu tư vì những kênh này sẽ có phụ đề tiếng Anh. Đây là cách luyện nghe tuyệt vời vì không phải mất quá nhiều thời gian 2 tiếng để xem một bộ phim mà chỉ cần trong những giờ giải lao ngắn bạn cũng có thể xem những sở thích của mình vừa luyện nghe được tiếng Anh. 

Ví dụ:

Skincare: Beauty Within, TheBeautyBreakDown...

Fashion: Bessdressed, AlexandrarasGirly Talk, Jeffree Star...

Food/Travel: Mark Wiens, Mikey Chen, Best Ever Food Review Show, CupofTJ, Way Away, Maangchi...

Animation: Theodd1sout, Domics, Upin & Ipin, Lucas the Spider...

Ví dụ: Với kênh ẩm thực Maangchi các bạn sẽ được nghe cô ấy hướng dẫn tiếng Anh làm các món ăn Hàn Quốc, các bạn có thể nhìn cách cô dạy nấu ăn, nghe cách cô nhấn nhá từ, lên xuống câu như thế nào thì các bạn có thể học nói theo. Đây là cách cực kỳ tốt, bạn thoải mái, tâm trạng vui tươi, không bị nặng nề quá. Bạn cứ học nói theo cách nói của họ dù nói không hay vì bạn nói ra cho mình bạn nghe thôi, thế nhưng hàng ngày bạn nghe như vậy thì tiếng Anh bạn nói ra hết sức tự nhiên, lưu loát và trôi chảy.

Hát theo nhạc

Ai trong chúng ta cũng thích nghe nhạc, hãy bật cho mình bài hát tiếng Anh ưa thích. Cảm thụ âm nhạc kích thích não sáng tạo vì thế hát theo lời bài hát là một cách tuyệt vời để vốn tiếng Anh của bạn tốt hơn mỗi ngày. Vừa nghe vừa nhìn lyrics giúp bạn biết cách phát âm của từ đó, cứ thế bạn lặp đi lặp lại nhất là đoạn điệp khúc hay những câu hát bạn thích thì số lượng từ bạn biết thêm nhiều và biết thêm cách đọc từ đó. Rồi khi nấu ăn, hay dọn dẹp phòng bạn hãy ngân nga bài hát đó để vừa vui vẻ vừa luyện lại cách phát âm.

Tham khảo thêm: Cách phát âm nguyên âm đôi (diphthongs) trong tiếng Anh

Học tiếng Anh sẽ không còn là nỗi lo lắng khi bạn có phương pháp học đúng đắn. Đừng để bỏ phí cơ hội chỉ vì không biết tiếng Anh. Đừng trì hoãn hãy bắt tay vào học ngay khi có thể và chọn cho mình một phương pháp phù hợp nhất. Thành quả đạt được sẽ chứng minh bạn đã có cách học tiếng Anh hiệu quả hay không?

Xem thêm bài viết:

5/5 (2 bình chọn)