Ai có thể trở thành đầu bếp? Nghề đầu bếp cần những gì? Kỹ năng và trình độ của đầu bếp ra sao? Trở thành đầu bếp có dễ dàng hay không? Xem ngay!
HSE là gì? Kỹ sư HSE là gì? Trách nhiệm và công việc của kỹ sư HSE
An toàn lao động luôn được đề cao trong bất kỳ hoàn cảnh hoặc môi trường lao động nào. Trong kỹ thuật, an toàn lao động được biết đến bởi Health – Safety – Environment, hay chính là HSE. Vậy HSE là gì? Nhân viên HSE là ai và họ làm những công việc gì? Để trở thành nhân viên HSE thì cần có những kiến thức và kỹ năng gì? Tham khảo bài viết sau đây để bổ sung thêm cho mình những kiến thức liên quan đến HSE nhé!
1. HSE là gì? Một số thông tin xoay quanh HSE
1.1. HSE là gì?
Như đã đề cập trước đó, HSE là cách viết tắt của Health – Safety – Environment, lần lượt được hiểu là sức khỏe, an toàn và môi trường. HSE đề cập đến vấn đề an toàn lao động.
Trong quá trình lao động luôn tồn tại những rủi ro và nguy hiểm. Tai nạn lao động là không ai mong muốn, nhưng chúng ta có thể tránh khỏi hoặc hạn chế thấp nhất rủi ro trong quá trình lao động nếu các biện pháp an toàn lao động được tuân thủ chặt chẽ.
Trong nhà máy, công xưởng hoặc tại công trường, có một người chuyên môn đảm nhiệm công việc này, đó chính là kỹ sư HSE. Kỹ sư HSE phụ trách tất cả các vấn đề liên quan đến an toàn lao động. Vai trò chủ đạo của kỹ sư HSE đó là đề xuất các phương án thiết kế môi trường lao động nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động, tránh khỏi những nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình lao động hoặc tránh khỏi ảnh hưởng của những chất độc hại trong quá trình lao động.
Trong lao động, an toàn là yếu tố không thể xem nhẹ. Các công ty cũng cần chăm sóc sức khỏe cho người lao động trong quá trình làm việc. Đây chính là trách nhiệm của người kỹ sư HSE và cả bộ phận HSE.
1.2. Một vài thuật ngữ liên quan đến khái niệm HSE
Như vậy là chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu HSE là gì và công việc chủ yếu của bộ phận HSE trong doanh nghiệp. Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu một số thuật ngữ liên quan đến HSE nhé!
1.2.1. Chứng chỉ HSE
Nhân viên phụ trách mảng an toàn lao động trong mỗi doanh nghiệp cần có chứng chỉ HSE. Đây cũng là yêu cầu đầu vào bắt buộc khi bộ phận nhân sự tuyển dụng nhân viên HSE. Chứng chỉ HSE chứng minh người sở hữu có đủ kiến thức và kỹ năng, có thể đảm nhiệm tốt công việc liên quan đến an toàn lao động, chăm lo cho sức khỏe của người lao động và xây dựng môi trường làm việc an toàn.
Nhân viên bảo hộ lao động, chuyên viên phân tích và đánh giá rủi ro lao động, chuyên viên quản lý và giám sát điều kiện lao động, nhân viên phụ trách nghiên cứu và cải thiện điều kiện lao động, và đặc biệt là chuyên viên HSE đều cần thiết phải sở hữu chứng chỉ HSE.
1.2.2. Chính sách HSE
Chính sách HSE bao gồm những quy định, điều luật được thiết lập hướng đến mục đích đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc. Mọi người lao động đều có quyền được biết chính sách HSE của doanh nghiệp.
Theo chính sách HSE thì doanh nghiệp cần phải tạo điều kiện lý tưởng nhất và môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Hơn nữa, trong công ty, môi trường làm việc cũng cần phải được giữ gìn sao cho trong lành, lành mạnh. Bên cạnh đó, luật lao động cũng cần phải được tuân thủ.
Bộ phận HSE hoặc người phụ trách mảng HSE trong công ty phải bám sát tình trạng lao động của người lao động, đồng thời thường xuyên nghiên cứu phương án cải thiện môi trường lao động, tối ưu hóa quá trình lao động để bảo vệ sức khỏe của người lao động trong quá trình làm việc.
2. Trách nhiệm và nhiệm vụ của nhân viên HSE
Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu HSE là gì và đặc điểm của HSE trong mỗi công ty, doanh nghiệp. Để hiểu rõ hơn HSE là gì, trong phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về trách nhiệm và nhiệm vụ của nhân viên HSE nhé!
2.1. Trách nhiệm của nhân viên HSE là gì?
Khi nói đến nhân viên HSE chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến những người chuyên làm công việc đảm bảo cho người lao động được làm việc trong môi trường lao động an toàn và lý tưởng nhất. Cụ thể, nhân viên HSE phải là người hiểu rõ nhất các quy định liên quan đến an toàn lao động của Bộ Y tế hay Bộ Lao động, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhân viên HSE cũng cần phải hiểu rõ và tuân thủ luật an toàn lao động.
Bên cạnh đó, tác động của hoạt động sản xuất đến môi trường cũng nằm trong phạm vi tìm hiểu và nghiên cứu của nhân viên HSE. Nếu tình trạng này xuất hiện trong doanh nghiệp thì nhân viên HSE cần nhanh chóng nắm bắt và đề xuất phương án khắc phục.
Nhân viên HSE cũng cần phải giám sát và sát sao với quá trình lao động trong doanh nghiệp và an toàn của người lao động. Nếu phát hiện ra bất cứ quy trình lao động hoặc quy định nào chưa đảm bảo an toàn cho người lao động thì cần nhanh chóng báo cáo và đề xuất phương án cải thiện ngay lập tức. Điều này không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho người lao động, mà còn đảm bảo môi trường làm việc và tài sản của doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhân viên HSE cũng là người phụ trách theo dõi tình trạng sức khỏe của nhân viên và tổ chức các chương trình thăm khám sức khỏe định kỳ. Nhân viên HSE cũng có trách nhiệm báo cáo thường xuyên lên cấp trên về môi trường làm việc và tình trạng sức khỏe của người lao động làm việc trong doanh nghiệp.
2.2. Nhiệm vụ của nhân viên HSE
Nhiệm vụ chính của nhân viên HSE là giám sát toàn bộ các hoạt động sản xuất trong doanh nghiệp, trong đó phạm vi giám sát chủ yếu liên quan đến mảng an toàn lao động và giữ gìn vệ sinh môi trường lao động. Nhân viên HSE cần đảm bảo người lao động tuân thủ những quy định về an toàn lao động.
Bên cạnh đó, nhân viên HSE cũng là người thường xuyên kiểm tra máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất. Họ phối hợp với bộ phận kỹ thuật và bảo trì nhằm đảm bảo tất cả trang thiết bị, máy móc và dây chuyền sản xuất đều ở trạng thái tốt nhất.
Nhân viên HSE cũng là người phụ trách xây dựng các quy định và quy chế cần tuân thủ trong quá trình lao động nhằm mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an toàn cho người lao động. Đồng thời, sau khi những quy tắc trên được phổ biến thì nhân viên HSE cần đảm bảo những quy tắc ấy được tuân thủ và thực hiện một cách nghiêm ngặt.
Nếu có bất kỳ sự cố nào phát sinh thì nhân viên HSE phải là người đầu tiên được biết và tham gia quan sát hiện trường, cũng như tham gia vào công tác khắc phục sự cố.
Ngoài ra, nhân viên HSE cũng phải duy trì công tác nghiên cứu, đề xuất ra những giải pháp nhằm cải thiện môi trường lao động, nâng cao hiệu quả lao động và đảm bảo an toàn lao động.
3. Nhân viên HSE có mức thu nhập như thế nào?
Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư HSE, nhân viên HSE là tương đối nhiều, bởi theo quy định của Bộ Lao động thì mỗi doanh nghiệp đều cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề an toàn lao động và phải có nhân viên HSE là người chuyên phụ trách về mảng này.
Chiếu theo quy định này thì cơ hội việc làm cho nhân viên HSE tại những tập đoàn lớn là hết sức rộng mở khi mà họ cần nhiều hơn một nhân viên HSE. Có những doanh nghiệp hay tập toàn lớn còn tổ chức cả một bộ phận HSE chuyên nghiên cứu và đảm bảo an toàn lao động trong môi trường làm việc. Trong khi đó, thực tế hiện nay, nguồn nhân lực HSE là chưa đủ “cung” để thỏa mãn “cầu”.
Về thu nhập, trung bình nhân viên HSE được trả lương mỗi tháng trong khoảng 10 – 13 triệu đồng. Đối với những kỹ sư HSE giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm thì thu nhập có thể lên tới 17 – 35 triệu đồng mỗi tháng.
Qua những thông tin được tổng hợp trong bài viết, chắc hẳn bạn đã hiểu được HSE là gì và tầm quan trọng của HSE trong mỗi doanh nghiệp. Hiện nay nhu cầu tuyển dụng kỹ sư HSE là tương đối nhiều bởi cung chưa đủ cầu. Có nhiều trường đã mở thêm ngành đào tạo Bảo hộ lao động để đào tạo ra những kỹ sư HSE tương lai đáp ứng được cơn khát nhân lực của các doanh nghiệp.