Phân tích chi tiết hình tượng người lái đò sông Đà chuẩn nhất

By   Administrator    15/02/2020

Với tùy bút Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công hình tượng người lái đò sông Đà mà chúng ta sẽ cùng phân tích trong bài viết dưới đây.

Văn học Việt Nam là hành trình vun đắp, dựng xây những giá trị của con người và thời đại. Chúng ta đã từng say mình trước kho tàng văn học dân gian cùng những câu ca dao, những ngày xửa ngày xưa, hòa mình trong những biến động thời đại của văn học trung đại thì càng thêm quyến luyến cái đẹp, cái tình trong nền văn học nhất là văn học sau đổi mới. Ở những trang văn, ta bắt gặp những giá trị chân- thiện- mỹ. Mỗi ngòi bút là một người nghệ sĩ luôn không ngừng cống hiến. Trong dòng chảy lặng lẽ của văn học, một Nguyễn Tuân cũng đã khẳng định một cái tôi riêng độc đáo. Với tùy bút Người lái đò Sông Đà và đặc biệt là chân dung con người lao động, Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công hình tượng người lái đò sông Đà.

Phân tích hình tượng người lái đò sông Đà

Nói đến Nguyễn Tuân là nói về người nghệ sĩ với lối viết riêng độc đáo. Văn phong của ông không thu mình trong một mạch nguồn cảm xúc mà luôn độc đáo đến lạ kỳ! Dù có những đổi thay trong sáng tác trước và sau Cách mạng những nhà Nho trí thức Nguyễn Tuân vẫn luôn dành niềm yêu, sự trân trọng cho những con người tài hoa nghệ sĩ. Ông khám phá cái tài hoa nghệ sĩ của con người trên nhiều phương diện và hơn cả là khám phá, tìm kiếm chất vàng mười ẩn nấp trong thiên nhiên và con người. Với chủ nghĩa xê dịch, với ý thức văn chương cao đẹp, tùy bút Sông Đà chính là minh chứng cho tài hoa của người nghệ sĩ.

Bài kí Người lái đò Sông Đà là thành quả của chuyến đi thực tế đến Tây Bắc của Nguyễn Tuân trong những tháng năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Chuyến đi nhằm thỏa mãn niềm say mê khám phá cùng khao khát tìm hiểu những gì đẹp nhất, tinh túy nhất- “chất vàng mười” qua thử lửa của thiên nhiên và con người. Bài tùy bút được in trong tập Sông Đà viết trong những năm 1958- 1960. Tác phẩm tiêu biểu cho lối viết tài hoa, uyên bác, theo đúng chủ nghĩa xê dịch cùng tinh thần của người nghệ sĩ.

Nhà văn đã có những nét bút đầu tiên khái quát cho bạn đọc những thông tin cơ bản về nghề nghiệp, ngoại hình và phẩm chất của ông đò. Nghề nghiệp của ông là lái đò trên sông Đà với với mười năm kinh nghiệm và đối mặt với biết bao hiểm nguy. Công việc lái đò là công việc lao động rất đỗi bình thường không liên quan gì đến nghệ thuật nhưng dưới ngòi bút của tác giả, người lái đò là chiến tướng tài ba lão luyện; người nghệ sĩ sông nước với nghệ thuật leo thác vượt ghềnh với đôi tay lái ra hoa. Ngoại hình ông đò được nhà văn khắc họa cũng phần nào cho thấy bản lĩnh, tài hoa của ông. Ông có ngoại hình tráng kiện, dẻo dai, mạnh mẽ và đẹp như một bức tượng sống dù tuổi đã ngoài bảy mươi. Đặc biệt, chi tiết gây ấn tượng lớn với người đọc là trên ngực ông lái đò có một vết bầm lớn do cán chèo tì vào và được Nguyễn Tuân gọi là thứ huân chương siêu hạng. Cách liên tưởng của tác giả vô cùng độc đáo đã gợi ra vẻ đẹp, sự nhiệt huyết và say mê lao động của con người ngày đêm bền bỉ miệt mài cống hiến xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, tấm huân chương đặc biệt này còn thể hiện thái độ trân trọng, ngưỡng mộ của Nguyễn Tuân dành cho những con người lao động bình thường nhưng rất đỗi cao đẹp. Họ cao đẹp bởi phẩm chất nghề nghiệp tuyệt vời. Ông lái đò có một trí dũng song toàn, tay nghề lão luyện, dày dặn kinh nghiệm, luôn bình tĩnh và tỉnh táo, luôn làm chủ mọi tình huống hiểm nguy bởi lẽ ông thuộc từng luồng lách bố trí của con sông Đà “sông Đà đối với ông lái đò như một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc từng dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm than, dấu xuống dòng”. Ông đò là vị tướng lĩnh tài ba thông thạo binh pháp của thần sông thần đá, là tướng lĩnh cầm quân trong tư thế chủ động, luôn sẵn sàng chiến đấu. Ngòi bút của tác giả đã khái quát những thông tin cơ bản về người lái đò, để chuẩn bị cuộc đọ sức không cân sức giữa người lao động và dòng sông hung bạo.

Hai chiến tuyến trái ngược, hai tương quan lực lượng rất chênh lệch là thông tin đầu tiên về cuộc đọ sức giữa ông lái đò và con sông Đà. Tất cả lợi thế đều nghiêng về con sông Đà hung hãn xảo quyệt, lắm mưu nhiều kế với những cạm bẫy nguy hiểm chết người. Đối lập là hình ảnh ông đò nhỏ bé, đơn độc, vũ khí duy nhất trên tay là cán chèo cùng con thuyền mỏng manh như chiếc lá giữa dòng nước dữ. Đây thực sự là cuộc đọ sức, đọ chí, đọ tài và đòi hỏi người lái đò phải vô cùng dũng cảm, tài trí, bản lĩnh mới có thể khuất phục được dòng sông hung hãn để giành lại sự sống từ tay con thủy quái.

Mở đầu là cuộc chiến không khoan nhượng giữa ông lái đò cùng sông Đà trong trùng vi thạch trận đầu tiên. Sông Đà bày binh bố trận vô cùng bài bản, khôn khéo, nham hiểm, xảo quyệt với năm cửa thì có đến bốn cửa tử và chỉ có duy nhất một cửa sinh nằm lập lờ ở phía tả ngạn sông Đà. Dòng sông hung bạo huy động binh lực hùng hậu với đủ tướng dữ. Đá tiền vệ, đá hậu vệ đầy thách thức và hiếu chiến cùng phối hợp với nhau. Sông đà đã dồn mọi lực lượng để dồn dập tấn công con người nhằm dồn đối phương vào chỗ chết: “Sóng nước như thể quân liều mạng vào sát nách mà đã trái mà thúc gối vào bụng và hông thuyền”. Những câu văn của Nguyễn Tuân rất chính xác khi nói đến cái nham hiểm của dòng sông hung tợn với một loạt những động từ mạnh như: đội, vồ cùng hình ảnh so sánh độc đáo khi miêu tả về sức mạnh khủng khiếp của dòng nước lũ. Sóng thác không khuất phục trước con người lao động, tìm ra những đòn hiểm độc nhất để ngăn chặn, để con người bình thường phải khiếp sợ khi bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò. Vậy nhưng ông đò chẳng hề nao núng, với bản lĩnh gan góc, tinh thần hiên ngang dũng cảm, bình tĩnh, tỉnh táo, điêu luyện thuần phục khéo léo trong từng động tác. Mặc dù phải chịu đựng nỗi đau ghê gớm về thể xác nhưng ông đò không tỏ ra nao núng sợ hãi mà vẫn hiên ngang chủ động với tay lái ra hoa. Trong tư thế của người cầm quân chiến đấu, ông đò giữ chặt mái chèo- thứ vũ khí “tối thượng” cùng ông chống chọi với hiểm nguy. Phối hợp cùng đôi tay rắn chắc, kiên cố, chân ông cũng gắng gượng đến cùng để ghì lấy cuống lái bất chấp vết thương đau đớn. Hình ảnh gương mặt méo bệch của ông cùng tiếng nước xối xả, tiếng của những luồng sóng, của những đá vụn trên sông như thứ bằng chứng cho những khó khăn, hiểm nguy của người lái đò sông Đà. Người lái đò đã sử dụng những đòn của thể thao, võ thuật và quân sự để đánh chiến cùng dòng sông hung bạo.

Tham khảo thêm: Phân tích chi tiết những vẻ đẹp hình tượng người lái đò sông Đà​

Phân tích hình tượng người lái đò sông Đà

Vòng vây thạch trận thứ hai được tái hiện thông qua bút pháp so sánh cùng liên tưởng của nhà văn. Một bên là sông Đà nham hiểm, xảo quyệt thay đổi chiến thuật để dụ con mồi vào chỗ chết. Một bên là ông đò dũng cảm. Dòng sông hung bạo như muốn đối chọi đến cùng và không chấp nhận sự chinh phục. Thách thức đặt ra ngày một lớn hơn khi mà những cửa tử nối đuôi nhau xuất hiện và cửa sinh thì nằm ở bên tả ngạn. Dòng sông có lúc như một con hổ dũng mạnh với dòng thác hùm beo, có lúc lại như một con chiến mã bất kham. Đã thế lũ thủy cân cửa ải lại vô cùng hung hăng, ngỗ ngược. Đứng trước kẻ thù nham hiểm, ông đã nhanh chóng thay đổi chiến lược để chinh phục dòng sông hung bạo. Quy luật của thần sông, thần đá, quy luật phục kích của nước lũ đã trở thành những dòng chữ khắc ghi một cách tự nhiên trong tâm trí ông đò. Ông đò vô cùng dũng cảm, ngoan cường trong cuộc chiến sinh tử. Hình ảnh chiến đấu ngoan cường của ông như người võ sĩ  chiến đấu đến giây phút cuối cùng chinh phục kẻ thù đối chọi. Từ việc nắm bờm sóng đến ghì cương lái và lao về phía trước để giành được chiến thắng cuối cùng. Hình ảnh ông đò trong cuộc chiến sinh tử luôn oai hùng như vậy! Binh pháp của ông linh hoạt uyển chuyển, mềm dẻo, biến hóa khôn lường, lúc cương lúc nhu, lúc nhượng bộ, lúc phòng thủ rồi bất ngờ tấn công quyết liệt áp đảo đối phương: “đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến và những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền”.

Cửa thứ ba ít cửa hơn nhưng nguy hiểm cũng ngày một dồn dập bởi vì bên phải bên trái đều là đường chết, còn luồng sống lại bị chắn ngang bởi bọn đá hậu vệ của con thác. Tất cả dồn ông lái đò vào thế bí, chiến trận đòi hỏi ông lái đò phải có tài trí dũng cảm, đánh nhanh thắng nhanh, tiêu diệt gọn: “Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó”. Và chiếc thuyền gỗ nhỏ bé cùng người lái đò vượt qua hiểm nguy, con thuyền phóng lên và lao về phía cửa sinh, luồng sống duy nhất ấy thôi thúc người cầm lái và cũng khiến trái tim người đọc rung lên trong những lo lắng khôn nguôi! Người lái đò như một người nghệ sĩ xiếc trong trò chơi nghệ thuật đầy táo bạo và nguy hiểm. Con thuyền vượt qua bao của ải sinh tử và đọng lại mãi trong tâm trí người đọc là hình ảnh đẹp đến nao lòng khi nó như bay lên sóng thác sông Đà. Ông lái đò là chân dung chân thực nhất của người nghệ sĩ trong lao động, trong nghệ thuật chiến đấu leo thác vượt ghềnh.

Và cuối cùng chiến thắng đã thuộc về người lái đò trí dũng, tài hoa, nghệ sĩ. Cuộc chiến cùng dòng sông hung bạo tạm thời kết thúc sau một hành trình ngoan cường của con người để chống lại thiên nhiên khắc nghiệt. Người lái đò không còn là người nghệ sĩ trước thiên nhiên hiểm hóc. Ông trở về với cuộc sống, với những gì đời thường nhất. Đó không phải là thái độ tự hào hay sự oai vệ, ông nhẹ nhàng hòa mình trong cuộc sống bên những đốm lửa đêm, bên những con người và thiên nhiên núi rừng quen thuộc, gắn bó. Chính nét đẹp bình dị đời thường này đã tôn vinh những con người lao động bình thường. Bài kí là một tiểu anh hùng ca ca ngợi người lái đò trong cuộc xây dựng cuộc sống mới.

Tái hiện chân dung ông lái đò, Nguyễn Tuân đã sử dụng nhiều hình ảnh so sánh, liên tưởng vô cùng độc đáo, thú vị và tài hoa. Nhà văn đã sử dụng dày đặc hệ thống các động từ mạnh: “sống lên, vồ lấy thuyền, ghì cương, lái miết…”. Cùng với đó là những so sánh, liên tưởng vô cùng gợi hình, gợi cảm. Những câu văn của Nguyễn Tuân tác động mạnh vào giác quan của người đọc và làm hình ảnh sông Đà hung bạo trong ba trùng vi thạch trận đối lập với người lái đò trí dũng, tài hoa. Có thể nói, Nguyễn Tuân với cá tính phóng khoáng đã đặc biệt thành công với thể loại tùy bút.

Tham khảo thêm: Tìm hiểu hồn thơ của Hàn Mặc Tử thông qua bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ

Người nghệ sĩ là người đưa người đọc vào cảm xúc và thăng hoa cùng cảm xúc. Đó là những phút giây vỡ òa của cảm xúc khi người đọc chứng kiến ông đò bị dồn vào nguy hiểm. Và cuối cùng là niềm hạnh phúc khi chiến thắng cuối cùng thuộc về con người- chất vàng mười thật sự kết tinh cho tài hoa, khí phách con người. Bài viết còn là tình yêu quê hương đất nước tha thiết góp phần xây dựng tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và trước những chảy trôi của thời gian, con người ấy, tài hoa ấy mãi sống trong lòng bạn đọc mọi thế hệ.

>>> Xem thêm bài viết:

5/5 (2 bình chọn)