Tổng hợp các bài phân tích bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng

By   Administrator    14/02/2020

Âm hưởng chung của Tây Tiến là tiếng vọng của một cõi lòng nhớ nhung về thời hào hùng, lãng mạn và bi tráng. Cùng phân tích bài thơ Tây Tiến dưới đây nhé.

Âm hưởng chung của tây tiến là tiếng vọng của một cõi lòng nhớ nhung, da diết về một thời tây tiến hào hùng, lãng mạn, bi tráng. Cùng giasusinhvien.net tham khảo bài phân tích bài thơ Tây Tiến dưới đây nhé!

Nhà thơ Quang Dũng là nghệ sĩ đa tài với phong cách thơ phóng khoáng, hồn hậu, tài hoa, lãng mạn. Ông để lại cho đời rất ít tác phẩm và nổi bật nhất là bài thơ “Tây Tiến”- tác phẩm hàng đầu thơ ca cách mạng. 

Nhắc đến tên tuổi nhà thơ Quang Dũng, người đọc đều nhớ đến người nghệ sĩ đa tài này với đầy đủ thi ca nhạc họa. Ông vừa viết thơ, vẽ tranh và cả sáng tác nhạc. Với khuynh hướng sáng tác hiện thực cách mạng kết hợp yếu tố lãng mạn, ngôn ngữ bay bổng khoa trương đã chắp cánh cho những sáng tác của Quang Dũng dễ đi vào lòng người. Trong đó phải kể đến bài thơ Tây Tiến.

Phân tích bài thơ tây tiến

Tây Tiến là đơn vị bộ đội thuộc thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Trung đoàn chiến đấu gian khổ, oanh liệt ở vùng biên giới Việt Lào và Tây Bắc. Trong đơn vị có nhiều thanh niên trí thức Hà Nội hào hoa, thanh lịch. Họ ra trận với phong thái trượng phu, với tinh thần lạc quan. 

Sau một thời gian hoạt động ở Lào đoàn quân trở về Hòa Bình và thành lập trung đoàn 52. Quang Dũng chuyển đơn vị mới về Phù Lưu Chanh, nhớ lại một thời cùng đồng đội chiến đấu đánh giặc cứu nước. Nhà thơ viết bài thơ “nhớ Tây Tiến” năm 1948 và khi in thì nhà thơ đổi tên thành “Tây Tiến”. 

Tham khảo thêm: Phân tích chi tiết nhất bài thơ Tự Tình của nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Những câu thơ mở đầu chính là nỗi nhớ tha thiết chơi vơi của nhà thơ về những năm tháng hành quân trong quãng đời người lính Tây Tiến. 

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Giọng điệu cảm thán mở đầu cảm hứng nhớ thương của bài thơ. Nỗi niềm thương nhớ chất chứa trong ký ức nhà thơ bỗng bùng phát thành dòng tâm trạng thiết tha vọng về quá khứ một miền đất lịch sử-sông Mã và một Tây Tiến anh hùng. Niềm hoài niệm lan tỏa không gian, thời gian. Nỗi bâng khuâng, bồi hồi, nuối tiếc nhớ về một thời chinh chiến đã “xa rồi”. 

Nhớ về một thời Tây Tiến oanh liệt và bi thương. Từ đây ta nhận thấy điểm nhìn của nhân vật trữ tình từ hiện tại hướng về quá khứ, hướng về một thời gian đã xa, hướng về một một không gian đã qua. Điệp từ “nhớ” được lặp lại hai lần ở vị trí ngắt nhịp diễn tả nỗi nhớ cồn cào mãnh liệt. 

‘Nhớ chơi vơi” là nỗi nhớ nhung dâng trào mênh mang lan tỏa không gian, nỗi nhớ như hữu hình như sương khói giăng mắc đất trời Tây Bắc. Âm vần “ôi”, “ơi” gợi cái xa xăm của thời gian, của ký ức hoài niệm chất chứa nỗi nhớ niềm thương man mác, bâng khuâng. 

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Trong kí ức hoài niệm của nhà thơ hiện về bóng dáng đồng đội Tây Tiến hành quân: ra trận giữa núi rừng miền Tây hùng vĩ, dữ dội, vô cùng khắc nghiệt nhưng cũng mĩ lệ, hư ảo. Những địa danh Sài Khao, Mường Lát gợi không gian xứ lạ hoang vu. Ngôn từ tạo hình vẽ cảnh mịt mù sương khói, hoa lệ huyền ảo. Quang Dũng có biệt tài vận dụng địa danh tạo âm điệu khi dữ dằn, khi bay bổng gợi tả hình ảnh con đường hành quân. Những địa danh thấm đậm nỗi nhớ cụ thể, nỗi nhớ có chiều sâu. 

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Với những câu thơ dày đặc thanh trắc cùng sự vận dụng linh hoạt với từ láy gợi hình đã khắc họa được cảnh núi rừng miền Tây hùng vĩ, hiểm trở, thiên nhiên Tây Bắc dốc thẳm đèo cao. Hai từ “dốc” mở đầu hai nhịp thơ tạo điểm nhấn về giọng điệu diễn tả dốc đèo trùng điệp “khúc khuỷu- thăm thẳm” không có điểm dừng. Ngôn ngữ thơ vừa tả thực tả khoa trương, cường điệu. 

Những dòng thơ tả hình ảnh không gian con đường hành quân hiểm trở, khắc nghiệt, kì ảo, thơ mộng in dấu chân đoàn quân Tây Tiến mệt mỏi và can trường, ý chí đội trời và tâm hồn bay bổng. Khúc quân hành âm vang tiếng nhạc dữ dội và man mác, réo rắt và uyển chuyển. Xuân Diệu từng cảm nhận về bài thơ Tây Tiến: “Đọc Tây Tiến có cảm giác như ngậm âm nhạc trong miệng”. Thơ Quang Dũng là bản hòa tấu của thơ, nhạc và họa.

Trong sáu câu tiếp theo, nhà thơ tập trung miêu tả hình ảnh người lính gắn liền không gian núi rừng. 

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời

Cái bay bổng lãng mạn không thể lấn át cái khốc liệt của hiện thực chiến tranh, cảm hứng bi thương vẫn thường trực trong mạch thơ hùng tráng. Người lính hành quân gian khổ, triền miên, mệt mỏi. Hình ảnh thơ: “Gục lên súng mũ bỏ quên đời” có thể hiểu là người lính chìm vào giấc ngủ mê mệt cũng có thể hiểu người lính kiệt sức ngã xuống giữa đường hành quân. Từ láy “dãi dầu” chất chứa lòng yêu mến xót thương đồng đội của Quang Dũng. Cụm từ “bỏ quên đời” diễn tả cái ngang tàng của anh lính trẻ ít nhiều gợi người đọc nghĩ đến khí chất của anh bộ đội cụ Hồ. 

Bút pháp lãng mạn tô đậm khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc với nét đặc trưng của núi rừng từ đó phát hiện khí phách, tâm hồn người lính

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu ngươi

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Người lính Tây Tiến quả cảm, can trường vượt rừng thiêng núi hiểm, vượt qua con đường dữ đội điệp trùng. Âm điệu thơ đang căng thẳng dồn nén bỗng buông chùng êm ả. Lời thơ miêu tả âm thanh núi rừng vừa linh thiêng, huyền bí vừa mượt mà êm dịu. Âm điệu nặng nề, dữ dội “Mường Hịch cọp trêu người”  đối lập âm điệu mềm mại, bâng khuâng “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.

Bốn câu thơ đầu đoạn thơ thứ hai là nhớ của nhà thơ lắng sâu hình ảnh hào hoa, lãng mạn trong không khí  hội đuốc hoa giữa miền tây mỹ lệ, thơ mộng. 

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Phân tích bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng

Đêm hội đuốc hoa không chỉ rực rỡ sắc màu mà còn lưu ấn tượng ở âm thanh tiếng khèn dìu dặt:

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ

Câu thơ tả âm thanh hội đuốc hoa bằng chuỗi thanh bằng gợi âm điệu mênh mang chơi vơi –âm điệu trong cuộc sống những tâm hồn lãng mạn giữa kháng chiến gian lao. Bức tranh hội đuốc hoa âm vang tiếng nhạc, nhạc rừng huyền diệu, nhạc tâm hồn say mê. Chất men say lãng mạn giúp người lính thoát khỏi sức ép nặng nề của hoàn cảnh chiến đấu khắc nghiệt. 

Những câu thơ tiếp theo là bức tranh thiên nhiên miền Tây Bắc hoang sơ, dữ đội, thơ mộng.

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Bức tranh sông nước miền Tây mùa nước lũ thường mang nét dữ dội nhưng trong cái nhìn lãng mạn của người lính Tây Tiến chỉ lưu giữ những nét thơ mộng, hoang sơ. Bức tranh được phác họa bởi vài đường nét với sắc màu hư ảo gợi tả bức tranh thủy mặc xưa. Cảnh vật và con người lặng lẽ, huyền bí như trôi trong mộng ảo có sức hấp dẫn lớn. Lời thơ là dòng hoài niệm nhớ nhung, ngọt ngào về một miền đất lạ đã vô cùng thương mến của một thời chinh chiến 

Sang những câu thơ của đoạn ba, tác giả khắc họa chân dung người lính Tây Tiến được miêu tả trực tiếp. 

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

   Nét đẹp của người lính Tây Tiến được Quang Dũng diễn tả qua ngoại hình khác thường “không mọc tóc”, “quân xanh màu lá”. Chính hoàn cảnh chiến đấu gian khổ, khắc nghiệt nơi lam sơn chướng khí với bệnh sốt rét rừng hoành hành đã in dấu lên ngoại hình khác thường đó. 

Ngòi bút Quang Dũng không né tránh hiện thực nhưng tả hiện thực bằng cảm quan lãng mạn, cảm quan cách mạng bằng cả tấm lòng xót thương đối với đồng đội. 

Bốn câu thơ tiếp theo, tác giả khắc họa vẻ đẹp kiêu hùng, bi tráng của người lính Tây Tiến với sự hy sinh cao cả

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Quang Dũng miêu tả cái chết với cảm hứng lãng mạn với tinh thần bi tráng, đặt cái chết trong bối cảnh không gian rộng lớn hào hùng âm vang hồn thiêng sông núi cho nên bài thơ nói nhiều đến cái chết mà không gây bi quan nản lòng trái lại lời thơ tạo ra tinh thần bi tráng hào hùng. Nhà thơ bảo tồn tinh thần chiến đấu oanh liệt của người liệt người lính cách mạng bằng hình tượng nghệ thuật hoành tráng lãng mạn thể hiện một quan niệm thẩm mỹ “Cái đẹp là hi sinh cho tổ quốc”. 

Qua những dòng hồi niệm, đến những câu thơ cuối cùng khi trở về thực tại nhà thơ khẳng định sự gắn bó với đồng đội, với mảnh đất và con người miền Tây Bắc. Qua những câu thơ sau

Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

Lời thơ là lời tâm nguyện âm thầm mà thủy chung, son sắt của tất cả những “ai lên Tây Tiến” bởi trong lòng họ thời gian gắn bó với trung đoàn với miền Tây từ “màu xuân ấy” là khoảng thời gian quý giá nhất trong cuộc đời. 

Dù chia xa nhưng tâm hồn người lính Tây Tiến sẽ mãi đi về với miền Tây với vùng đất xa xôi đông đầy kỉ niệm cùng đồng đội với những năm tháng gian khổ hào hùng bởi “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. 

Khổ thơ đã bày tỏ tình cảm ngưỡng mộ tôn vinh sự hy sinh cao cả của người lính Tây Tiến. Âm điệu của những câu thơ như một lời thề thiêng liêng hào hùng. Đó cũng chính là tâm niệm của cả một thời đại. 

Với việc vận dụng linh hoạt bút phát lãng mạn triệt để trong việc tả cảnh núi rừng Tây Bắc cũng như khắc họa chân dung người lính Tây Tiến. Kết hợp ngôn ngữ giàu chất tạo hình và giọng thơ hoài niệm tha thiết. Qua đó nhà thơ Quang Dũng đã bộc lộ tình cảm nhớ nhung da diết mãnh liệt với Tây Tiến và những năm tháng gian khổ hào hùng. 

Tham khảo thêm: Phân tích chi tiết bài thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu

Dù ra đời từ rất lâu rồi nhưng sức hút của bài thơ Tây Tiến vẫn luôn sống mãi trong tâm hồn người đọc với những tình cảm sâu lắng nhất. Qua bài phân tích bài thơ Tây Tiến, chúng ta sẽ hiểu thêm về cuộc đời của những người lính kháng chiến. Đồng thời bày tỏ lòng biết ơn về những hy sinh cao cả thầm lặng của họ để ta được sống cuộc sống hòa bình, độc lập như ngày hôm nay. 

>>> Xem thêm tin:

5/5 (2 bình chọn)