Giáo dục STEM là gì? Một số thông tin thú vị về phương pháp này. Các cấp độ áp dụng giáo dục STEM. Đặc điểm và ngộ nhận về mô hình giáo dục STEM.
Tình yêu thương thầm kín của Tú Xương trong bài thơ “Thương vợ”
Trong bài thơ “Thương vợ”, ngòi bút trào phúng của Tú Xương cũng hiện lên qua những hình ảnh chế giễu chính mình. Cùng giasusinhvien.net phân tích bài thơ Thương vợ nhé.
Nhắc đến bậc thầy trào phúng của nền văn học trung đại Việt Nam, ta không thể không nhắc đến Tú Xương. Trong bài thơ “Thương vợ”, ngòi bút trào phúng cũng hiện lên qua những hình ảnh chế giễu chính mình, một người chồng “ăn bám” vợ. Thế nhưng ẩn sâu trong những tiếng cười chua cay đó, lại là tấm lòng của một người chồng hết mực thương yêu, thấu hiểu cho người vợ suốt đời tần tảo của mình.
Trong nền văn học trung đại Việt Nam, thơ viết về thân phận người phụ nữ không nhiều, thơ viết về vợ lại càng hiếm thấy. Thế nhưng Tú Xương lại có hẳn một đề tài thơ về vợ, điều này cũng đủ cho thấy ông yêu thương, trân trọng vợ biết nhường nào. Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú, là một trong số những bài thơ xuất sắc trong mảng thơ trữ tình của Tú Xương.
Tham khảo thêm: Nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương
Mở đầu bài thơ là hình ảnh nói lên công việc của người vợ
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”
Vợ của Tú Xương là bà Phạm Thị Mẫn, quê ở Lương Đường, Hải Dương. Sinh ra trong một gia đình cũng được xem là khá giả, nhưng khi lấy Tú Xương, bà phải làm nghề hàng xáo, buôn gạo để nuôi chồng, nuôi con. Bà Tú ngày ngày nuôi chồng ăn học với ước mong có ngày chồng thi đỗ làm quan để rạng danh cho gia tộc. Bà không quản ngại khó khăn vất vả quanh năm suốt tháng, cần mẫn làm ăn. Vòng mưu sinh luẩn quẩn được gợi ra bằng từ “quanh năm”, ngày ngày đầu tắt mặt tối không có khoảng thời gian cho riêng mình để nghỉ ngơi.
Công việc của bà Tú là buôn bán, liệu đây có thể xem là một nghề có thể mang lại cho bà Tú nguồn thu nhập lớn lao? Người xưa từng có câu “phi thương bất phú”, ý muốn chỉ ra nghề kinh doanh buôn bán là nghề có thể mang lại nhiều lợi nhuận. Thế nhưng trong câu thơ, hình ảnh “buôn bán ở mom sông” của người phụ nữ tảo tần lại gợi ra một nỗi chua xót, đắng cay trong công việc. Địa điểm làm việc không phải ở một nơi có nhiều hàng hóa, chợ búa sôi nổi, tấp nập, mà lại là nơi hoang vắng, thỉnh thoảng mới có một vài chiếc thuyền bè qua lại trao đổi hàng hóa. Từ “mom sông” gợi ra một sự chênh vênh, thậm chí là nguy hiểm. Vậy mà với công việc nhiều vất vả, hiểm nguy như vậy, bà Tú vẫn phải bám nghề để kiếm sống.
Mục đích được chỉ rõ trong câu thơ tiếp theo, đó là “nuôi đủ năm con với một chồng”. Nuôi con có thể được xem là một quy luật thông thường của cuộc sống, cha mẹ kiếm tiền để nuôi dạy con cái. Thế nhưng điều đáng ngại ở đây, là chỉ một mình bà nuôi những năm đứa con mà không có sự giúp đỡ của chồng. Và con hơn thế nữa, chính là một sự trớ trêu thay, cụm từ kèm theo việc nuôi những đứa con là thêm cả “với một chồng”. Đây thực sự là một gánh nặng vì bà phải lo thêm cả cơm áo cho chồng, lại còn thêm tiền giấy bút thi cử, thâm chí là cả những thú vui chơi của chồng trong việc giao hữu với bạn bè.
Cách nói “năm con với một chồng” là cách nói châm biếm tự trào vì tác giả tự thấy mình ngang bằng với những đứa con, thậm chí là nặng hơn cả những đứa con. Bà Tú giống như đang gánh trên vai một chiếc đòn gánh, với một bên là năm đứa con thơ, một bên là ông chồng, cuộc sống thật nhiều vất vả, gian truân. Câu thơ là lời tự giễu mình của Tú Xương, bản thân đã không giúp vợ chăm lo cho con, lại cũng không tự lo được cho mình, huống chi lo được cho vợ. Hai câu thơ là lời đề cao, khen ngợi bà Tú, một người vợ đảm đang, tần tảo suốt đời vì chồng vì con. Bà Tú giống như một người chủ gia đình, một điểm tự vững chắc cho chồng, dù công việc đầy vất vả hiểm nguy nhưng lúc nào ông chồng cũng được cung phụng, cơm bưng nước rót, cơm no rượu say, quần áo đẹp, tiền bạc rủng rỉnh. Ẩn sau trong đó là tấm lòng của một người vợ hết mực yêu thương chồng, tin tưởng vào chồng.
Để có thể gánh vác trách nhiệm của một người vợ đảm đang như thế, bà Tú phải vất vả không những “Lặn lội thân cò khi quãng vắng” mà còn trong khung cảnh: “Eo sèo mặt nước buổi đò đông”. Câu thơ xuất hiện hình ảnh ẩn dụ quen thuộc về thân cò trong ca dao Việt Nam. Thân cò dường như đã trở thành biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam tần tảo, suốt đời lam lũ “Thân cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”. Hình ảnh “lặn lội thân cò” đã chỉ ra những vất vả trong cuộc sống mưu sinh của bà Tú. Từ ngữ “eo sèo mặt nước” gợi ra công việc buôn bán đầy phức tạp, buôn tranh bán cướp, mua rẻ bán đắt, lời qua tiếng lại tranh cãi nhau đầy bon chen. Hình ảnh đối lập “khi quãng vắng”- “buổi đò đông” gợi ra sự bấp bênh không ổn định trong cuộc sống mưu sinh. Hai câu thơ là niềm cảm phục đối với bà Tú, một người phụ nữ vì cuộc sống mưu sinh mà hi sinh bản thân mình.
Hai câu thơ sử dụng những hình ảnh tả thực, cùng với nguồn thi liệu dân gian, từ láy “lặn lội”, “eo sèo” được đảo lên đầu câu đã cho thấy cuộc sống hiện tại của bà Tú khác xa với xuất thân gia đình. Mang tiếng là lấy ông Tú, xuất thân gia đình kẻ chợ, nhưng lại phải cơ cực nhọc nhằn. Ẩn sâu trong câu thơ là niềm xót thương vợ, thấu hiểu và trân trọng vợ của Tú Xương.
Bà Tú sống một cuộc sống vất vả như vậy âu cũng là cái duyên cái nợ. Tú Xương đã phải thở dài thương cho thân phận của vợ, thôi thì “Một duyên hai nợ âu đành phận” mà bà Tú phải chấp nhận “Năm nắng mười mưa dám quản công”. Duyên vợ chồng, duyên lứa đôi, duyên cuộc đời đã đem bà đến bên ông Tú, âu cũng là một sự sắp đặt của số phận. Thế nhưng, một cái duyên ấy lại tròng vào người bà Tú hai cái nợ, cái nợ ấy gần như một lần nữa ám chỉ cuộc sống mưu sinh vất vả nuôi chồng nuôi con của người phụ nữ tảo tần. Nghệ thuật đối cân chỉnh “Một duyên hai nợ”- “Năm nắng mười mưa”, “âu đành phận”- “dám quản công”, giống như một tiếng thở dài cam chịu, chấp nhận, tự nguyện. Bà Tú dù phải trả qua nhiều lam lũ, vất vả nắng mưa thì cũng vẫn sẵn sàng đảm nhận tất cả để làm tròn trách nhiệm của một người vợ, một người mẹ.
Câu thơ đã khắc tạc lên phẩm chất cao đẹp cả bà Tú, đức hi sinh thầm lặng mà cao cả, sự chịu thương chịu khó trong mọi hoàn cảnh. Tú Xương đã hóa thân vào tâm trạng, tình cảnh của vợ để xót thương cho vợ. Giọng thơ dồn dập hơn, bung tỏa những dồn nén, dường như là một sự dằn vặt tự thân ông Tú, thể hiện tình thương sâu nặng mà Tú Xương dành cho vợ.
Nếu như ở những câu thơ trên, tình cảm của ông Tú chỉ ẩn sau những mô tả về hình ảnh của bà Tú, thì ở hai câu thơ cuối cùng, tình cảm của ông Tú đã bộc lộ một cách rõ ràng, chân thực. Sau những sự thương yêu, chiều chuộng, thấu hiểu, đề cao phẩm chất của vợ, Tú Xương lại tự oán trách mình, trách mình không thể cùng vợ gánh vác trách nhiệm. Câu thơ cuối bài giống như một lời chửi đổng: “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc” Cuộc đời bạc bẽo hay chính là vì bà Tú “Có chồng hờ hững cũng như không”. Nhà thơ chửi thói đời tệ bạc, chửi xã hội phong kiến đương thời với nhiều bất công hà khắc, chế độ nam quyền độc đoán, để người phụ nữ phải chịu nhiều cực khổ. Cụm từ “Ăn ở bạc” một lần nữa trách than cho sự bất công đối với người phụ nữ. Cụ thể là hình ảnh bà Tú đây, xuất thân trong một gia đình danh giá nhưng khi lấy chồng về vẫn phải chịu những vất vả lam lũ, và có khó khăn vất vả, có cố gắng nhưng cuộc sống vẫn hoàn nghèo mà không khá lên được.
Trách đời, trách xã hội, trách số phận, nhưng cái chính ông Tú vẫn là tự trách chính bản thân mình “Có chồng hờ hững cũng như không”. Tú Xương tự nhận lỗi về mình, bản thân là một ông chồng vô tâm, vô tích sự, không giúp ích gì được cho vợ, không gánh vác việc nhà đỡ vợ, để vợ một mình bươn trải, chịu bao cay đắng nhọc nhằn của cuộc sống. Dẫu nhọc nhằn khổ cực nhưng bà Tú lại không một lời kêu than, oán trách chồng, điều này càng khiến cho ông Tú cảm thấy áy náy, tự trách chính mình.
Câu chửi đời, chửi mình cho thấy tình cảm mà Tú Xương dành cho vợ rất sâu nặng. Đó là tấm lòng quý trọng, tri ân cảm thông đối với vợ. Như vậy, xuyên suốt bài thơ là hình ảnh tảo tần, nhọc nhằn của bà Tú, những tưởng hình ảnh đó khiến ta suy nghĩ về sự vô tâm của ông Tú, nhưng thực chất, ẩn sâu trong đó lại là một người chồng không vô tâm, cũng không hề vô tình.
Hai câu thơ cuối là tấm lòng của một người trí thức giàu nhân cách, hiểu biết về gia cảnh nghèo của chính mình, thương vợ thương con. Bài thơ được sáng tác trong giai đoạn nền nho học đang có dấu hiệu suy tàn. Những trí thức nho giáo đã không còn được coi trọng. Bài thơ “thương vợ” nhưng cũng chính là thương cho thân mình vậy, thương cho nỗi đau thất thế trước thời cuộc, lại không thể làm gì để giúp đỡ được công việc của vợ.
Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú, với cách sử dụng ngôn ngữ bình dị, hình ảnh dung dị, đời thường, câu thơ không hề gọt giũa, dụng công nghệ thuật mà hình ảnh người vợ vẫn hiện lên sống động, giàu sức biểu đạt. Hình ảnh bà Tú hiện lên thật gần gũi, giống như hình ảnh của bao người chị, người mẹ, người vợ, người phụ nữ Việt Nam khác.
Tú Xương không chỉ nổi tiếng là một người tài hoa tài tử mà còn là người rất ngông, luôn đặt mình trên đời, trên người trên thiên hạ. Tiếng cười trong thơ Tú Xương mang nhiều sắc thái cung bậc, có thể là tiếng cười châm biếm sâu cay, đả kích quyết liệt, cũng có thể là tiếng cười tự trào ân hận, ngậm ngùi pha lẫn tâm tình như trong bài thơ trên. Tầm cỡ của Tú Xương chính là ở chỗ, tiếng cười đả phá trào lộng bao giờ cũng là tiếng lòng cất lên của một nền tảng trữ tình mang nội dung nhân đạo. Đằng sau tiếng cười đó là tình yêu thương, thấu hiểu, tình cảm chân thành nhất dành cho vợ của mình.
>> Xem thêm ngay: