Giáo dục STEM là gì? Một số thông tin thú vị về phương pháp này. Các cấp độ áp dụng giáo dục STEM. Đặc điểm và ngộ nhận về mô hình giáo dục STEM.
Phân tích chi tiết bài thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu Ngữ văn lớp 11
Bài thơ từ ấy của nhà thơ Tố Hữu là tác phẩm được đưa vào chương trình giảng dạy văn học, mời bạn tham khảo bài viết của nhà thơ Tố Hữu qua bài viết sau.
Nhà thơ Tố Hữu - một người chiến sĩ cộng sản, cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam. Tuy sống trong thời kì bùng nổ của phong trào thơ mới nhưng Tố Hữu không chọn con đường này. Thay vào đó, ông sử dụng ngòi bút của mình để phục vụ cho cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc. Bằng giọng thơ lãng mạn, vần thơ gần gũi mà chân thành, thơ Tố Hữu đã ăn sâu vào trong tâm hồn của những người yêu văn chương Việt Nam. Trong số những tác phẩm tiêu biểu, nổi bật nhất là bài thơ “ Từ ấy” được trích trong tập thơ cùng tên của Tố Hữu.
Tố Hữu (1920- 2002) được sinh ra trong một gia đình nhà Nho ở Thừa Thiên Huế. Quê hương xứ Huế - đất nhạc đất tình thân yêu, cộng thêm sự am hiểu nghệ thuật dân gian của cha mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn Tố Hữu. Từ đó, ông bắt mạch được với các thể loại văn học dân gian và cho ra đời những tác phẩm mang đậm yếu tố văn học dân gian. Đặc biệt, Tố Hữu đã rất thành công ở thể thơ lục bát. Ông tham gia hoạt động cách mạng bắt đầu từ năm 1937. Đến tháng 4 năm 1939, thực dân Pháp quay trở lại đàn áp phong trào cách mạng giải phóng thuộc điạ ở Đông Dương và Tố Hữu đã bị bắt trong cuộc đàn áp đấy. Từ 1939-1942, trong thời gian ngồi tù, Tố Hữu vẫn hướng đến cách mạng và sáng tác nhiều tác phẩm thơ ca, một trong số đó là phần “Xiềng Xích” trong tập thơ “Từ ấy”. Đến 1942, ông đã vượt tù, quay trở lại hoạt động cách mạng với Đảng Cộng Sản Việt Nam. Cả cuộc đời của ông gắn liền với thơ ca và những chặng đường lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc. Thơ Tố Hữu chất chứa chân thành và giàu cảm xúc, là những lời thủ thỉ tâm tình, là con đường song hành với con đường cách mạng Việt Nam. Những tập thơ xuất sắc nhất của Tố Hữu bao gồm : Từ ấy, Việt Bắc, Máu và Hoa… đã in sâu trong lòng và nhận thức người đọc. Đặc biệt là bài thơ “Từ ấy” nằm trong phần Máu Lửa của tập thơ cùng tên, được ra đời vào năm 1938, khi ông tham gia hoạt động cách mạng và được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng Sản Đông Dương.
Tham khảo thêm: Tình yêu thương thầm kín của Tú Xương trong bài thơ “Thương vợ”
“Từ ấy” là bài thơ đầu tay, đánh dấu một mốc son quan trọng trong cuộc đời của Tố Hữu khi ông bắt đầu đứng vào hàng ngũ của Đảng, sống và chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng con người. Tìm được lý tưởng, lẽ sống cao đẹp cũng là lúc ông gắn cuộc đời của mình với nhân dân với tổ quốc.
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim”
Mở đầu bài thơ là cụm từ “Từ ấy”, trùng với nhan đề của bài thơ và là tên chung cho cả một tập thơ đầu tiên của Tố Hữu. Cụm từ phiếm chỉ thời gian và gợi nhiều cảm xúc đánh dấu một mốc thời gian quan trọng. Đây là khoảnh khắc tâm hồn rung động sâu thẳm nhất khi Tố Hữu trở thành một người chiến sĩ cộng sản và nhận ra lẽ sống ở đời. Tác giả sử dụng phép ẩn dụ “nắng hạ” để nói về ánh sáng của Đảng, của cách mạng. Ánh sáng mạnh mẽ, rực rỡ và huy hoàng như ánh nắng mùa hạ. Động từ mạnh “bừng” thể hiện sự bất chợt, giác ngộ, thức tỉnh một cách mạnh mẽ nhất, thôi thúc nhất trong tâm hồn thi sĩ. Là lúc lý tưởng của ông bắt với lý tưởng của Đảng. Ánh sáng cách mạng bừng tỉnh trong con người Tố Hữu từ trí tuệ cho đến trái tim. “Mặt trời chân lí” lại là một hình ảnh ẩn dụ nữa ám chỉ Cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Cách mạng như vầng thái dương, mang lại nguồn sống, ánh sáng cho vạn vật. Nếu như ở trên là động từ “bừng” thì ở câu thơ dưới từ là động từ mạnh “chói”. “Chói” là chiếu sáng, là xuyên qua, đến rất nhanh, rất mạnh nhưng để lại thức tỉnh rõ ràng về chân lí cách mạng.
Tuổi trẻ vốn giàu ước mơ, khao khát lý tưởng lại gặp được chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy đây là sự gặp gỡ, đồng điệu, giao thoa giữa hai lý tưởng, giữa lý tưởng tuổi trẻ của nhà thơ và lý tưởng cách mạng tạo nên niềm vui sướng mãnh liệt, chi phối cảm xúc của cái tôi trữ tình.
Từ đấy mà nhà thơ thốt lên:
“Hồn tôi như một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
Tố Hữu so sánh tâm hồn của mình như một khu vườn. Đó là từ khi nhận được ánh sáng của Đảng, hồn ông như một khu vườn bừng tỉnh lên sức sống có hoa lá, hương thơm và âm thanh tươi vui “rộn tiếng chim”. Nhà thơ bỗng vui sướng rộn ràng khi nhận ra ánh sáng cách mạng. Như cây cỏ vạn vật trong vườn nhận được ánh sáng của mặt trời trở nên tươi tốt, căng tràn sức sống. Đó một điều tất yếu. Tố Hữu cũng từng diễn tả cảm xúc này trong hai câu thơ:
“Đảng cho ta một trái tim giàu
Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay”
Nói rộng ra, ta có thể hiểu rằng từ khi có cách mạng, có Đảng lãnh đạo cuộc sống nhân dân được soi sáng, thoát khỏi kiếp nô lệ xiền xích, thoát khỏi kiếp khổ cực không cơm áo gạo tiền đến với cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Khổ thơ đầu đã nhấn mạnh vai trò ánh sáng của Đảng đối với tâm hồn nhà thơ, là tình yêu là niềm say mê khi bắt gặp ánh sáng ấy. Trong thời kì thi nhân đang trăn trở tìm đến cái mới để quanh quẩn tìm lẽ đời, tìm lý tưởng sống như nào Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… thì Tố Hữu bằng giác ngộ cách mạng đã tìm thấy mục đích sống to lớn của đời mình: chiến đấu vì quê hương đất nước, lấy cuộc đời riêng góp vào đời chung. Đó cũng là sự chuyển mình về nhận thức trong khổ thơ thứ hai:
“ Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải khắp muôn nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”
Từ khi bắt gặp được lý tưởng, xác định được mục tiêu của cuộc đời mình Tố Hữu giải bày những chân tình sâu sắc, những xúc cảm mãnh liệt với con người. Động từ mạnh “buộc” thể hiện tinh thần chủ động gắn bó, gần gũi với nhân dân lao động của người chiến sĩ cách mạng. Đây là tình cảm dựa trên sự tự nguyện, xuất phát từ trái tim. Để tình cảm đấy chan hòa đến với tất cả mọi người. “Buộc” phải đi đôi với trang trải. Tức là sau sự gắn kết, gần gũi là sự chia sẻ cảm thông với những số phận với những cuộc đời của bao nhiêu con người khổ cực ngoài kia. Chiến sĩ làm cách mạng ngoài chiến đấu còn phải có trách nhiệm, tinh thần gần gũi với cuộc sống của nhân dân, thấu hiểu và cảm thông với nhân dân. Đó phải là sự gắn kết bằng tâm hồn “Để hồn tôi với bao hồn khổ”. Người làm cách mạng không thể xa rời với cuộc sống nhân dân, nếu không cách mạng sẽ không thành công, không thăng lợi. Ta điều biết, nhân dân Việt Nam đã trải qua nhiều sự thống khổ trước cách mạng tháng Tám, chung với nỗi đau dân tộc là cảnh dân đói rét lầm than, cảnh không nhà không ruộng, chịu áp bức bóc lột, không có cơm ăn áo mặc, không biết chữ, không được sống cuộc sống tự do vui vẻ. Đó cũng là điều khiến không chỉ nhà thơ mà hàng vạn người chiến sĩ cách mạng khắc khoải. Muốn đau với nỗi đau dân tộc, muốn sẻ chia nên tìm đến gắn bó tạo ra tình yêu thương giữa người với người để sống có niềm tin- niềm tin vào cách mạng, vào Đảng vào chủ nghĩa Cộng Sản.
Tố Hữu cũng từng tâm sự :
“ Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau “
Hình ảnh “mạnh khối đời” thể hiện sự yêu thương, đùm bọc và gắn bó tạo nên sức mạnh đoàn kết của những con người có chung một số phận, cụ thể ở đây là những người dân lao động cần lao ở Việt Nam. Đoàn kết là sức mạnh của Đảng, nguồn lực bên trong của một dân tộc. Với tình yêu với đời, với Đảng với nhân dân thì người chiến sĩ mới có thể tự nguyện chiến đấu hết mình vì sự nghiệp cao cả là giải phóng con người “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh” .
“ Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ...”
Không chỉ buộc lòng mình gắn bó với nhân dân. Tố Hữu đã có những đổi mới trong tình cảm khi coi đất nước là nhà, mọi người dân đều là ruột thịt. Những kết cấu được lặp lại “ là con”, “là em”, “là anh” đã nhấn mạnh sâu sắc sự gắn bó ân tình của nhà thơ với nhân dân lao động cần lao, như những người thân trong gia đình. Tình cảm này là tình cảm máu mủ, tha thiết và thiêng liêng cao cả nhất đối với con người. Đọc cả khổ thơ ta cảm nhận được những rung động chân thành nhất, trong đó là chất chứa lo toan cho mọi kiếp người. Hình ảnh”vạn kiếp phôi pha” , “vạn đầu em nhỏ” có thể là những người đồng đội hi sinh anh dũng, có thể là những người đồng đội đang quật cường chiến đấu vì tổ quốc, cũng có thể là những người dân lao động nghèo đang sống từng ngày vất vả “không cơm áo”, “cù bất cù bơ”. Người thanh niên đang ở độ tuổi trưởng thành, đã có những thay đổi rõ rệt từ khi đứng vào hàng ngũ của Đảng. Bỏ đi giấc mơ “tôi” riêng biệt còn ích kỷ còn hẹp hòi để mơ một giấc mơ chung- giấc mơ của dân tộc. Lời thơ như những lời tuyên thệ nguyện xóa tan rào cản để hướng tới sự cảm thông, chia sẻ như ruột thịt của giai cấp bấy giờ. Đó cũng là lý tưởng, là niềm tin để Tố Hữu hoạt động cách mạng hăng say. Ông đã từng viết:
“Nếu là con chim chiếc lá
Thì chim phải hót chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho đâu phải nhân riêng mình”
Như “chim phải hót” như lá phải xanh, đó quy luật tồn tại khách quan của sự vật. Cũng giống như với Tố Hữu ông quan niệm, sống không chỉ biết nhận mà là phải cho đi. “Cho” ở đây thể hiện sự dâng hiến, tự nguyện phục vụ của một người chiến sĩ cách mạng đối với quê hương đất nước, đối với đồng bào dân tộc.
Tham khảo thêm: Bài phân tích bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng
Qua bài thơ “Từ ấy” ta thấy niềm vui sướng, hạnh phúc của một người thanh niên đang loay hoay đi tìm lẽ sống thì được giác ngộ lý tưởng cách mạng. Tố Hữu đã bộc lộ nỗi niềm với dân với đời một cách chân thành và sâu sắc nhất qua những vầng thơ lúc tươi vui, rạo rực lúc lãng mạn, trữ tình lúc lại lắng đọng, trầm ngâm.
>> Tìm hiểu thêm: