Giáo dục STEM là gì? Một số thông tin thú vị về phương pháp này. Các cấp độ áp dụng giáo dục STEM. Đặc điểm và ngộ nhận về mô hình giáo dục STEM.
Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương
Tác phẩm “Chuyện người con gái nam xương” thể hiện rõ nét tinh thần của tác phẩm, người phụ nữ đẹp có số phận bi thương. Cùng giasusinhvien.net phân tích nhân vật Vũ Nương nhé.
Hình ảnh người phụ nữ tài sắc vẹn toàn nhưng số phận bất hạnh từ lâu đã trở thành một đề tài bất tận trong nền văn học trung đại Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX. Nguyễn Du xót thương cho thân phận Thuý Kiều tựa cánh hoa mỏng manh lênh đênh trôi dạt giữa sóng gió cuộc đời; Hồ Xuân Hương cất lên tiếng lòng của những người phụ nữ chung số phận “bảy nổi ba chìm”. Làn sóng nhân đạo, phê phán xã hội phong kiến dường như đã lan toả và thúc đẩy Nguyễn Dữ cho ra đời tác phẩm đặc sắc “Truyền kì mạn lục”. Trong đó, “Chuyện người con gái nam xương” thể hiện rõ nét tinh thần của tác phẩm, với nhân vật Vũ Nương- người phụ nữ mang vẻ đẹp hoàn mỹ nhưng lại mang một số phận bi thương.
Ngay từ đầu Nguyễn Dữ đã miêu tả Vũ Nương như là một hình mẫu lý tưởng của người phụ nữ trung đại, không chỉ xinh đẹp, nết na mà còn là một con người dịu dàng đoan trang, “tư dung tốt đẹp”, luôn sống trong khuôn giáo lễ nghi. Nàng có tên thật là Vũ Thị Thiết, quê ở Nam Xương, đến đây chúng ta càng thêm tin tưởng có một người phụ nữ hoàn mỹ như thế. Cũng chính vì đức hạnh của Vũ Nương đã khiến Trương Sinh đem lòng yêu thương, chàng đã nhờ người làm mối để lấy nàng làm vợ. Nàng được trân trọng, thương yêu và cưới hỏi tử tế bởi chính phẩm hạnh sáng ngời của nàng đã xoá đi ranh giới về quan điểm môn đăng hộ đối tồn tại bấy lâu nay. Mặc dù lấy chồng ít học lại có tính đa nghi, gia trưởng, thế nhưng Vũ Nương vẫn luôn làm tròn bổn phận của một người vợ, cư xử khéo léo, thông minh, bởi vậy không khí gia đình lúc nào cũng yên ấm, “chưa từng xảy ra bất hoà”. Tuy nhiên, cuộc sống hạnh phúc, ấm êm ấy chưa kéo dài được bao lâu thì đất nước xảy ra chiến tranh, vì thất học nên Trương Sinh bắt buộc phải theo lệnh triều đình tòng quân đánh giặc.
Những ngày tháng xa chồng, Vũ Nương đã thể hiện rõ những đức tính tốt đẹp của mình, nhưng bi kịch cũng bắt đầu xảy đến với nàng sau giờ phút xa chia ly ấy. Trước hết, Vũ Nương là một người có tấm lòng yêu thương son sắc, hết mực thuỷ chung với chồng. Lời dặn dò vô cùng xúc động của nàng trước lúc chồng ra tưởng như đời đời chứng minh cho phẩm hạnh tốt đẹp của nàng, nàng không tham vọng công danh của chồng, “chỉ xin ngày chàng về mang theo hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”. Đây chính là một ước mơ nhỏ nhoi, bình dị của người phụ nữ ấy, luôn khao khát về một hạnh phúc gia đình trọn vẹn. Không những vậy, ẩn sau ước mơ nhỏ bé ấy là cả một tấm lòng chân thành, đằm thắm, không bị cám dỗ trước “vinh hoa phú quý”. Niềm mong mỏi lớn nhất của nàng là ngày chồng bình yên trở về, được hưởng thú vui “nghi gia nghi thất”, vợ chồng tái hợp, con cái sum vầy, được sống những ngày làm mẹ, làm vợ đúng nghĩa. Mặc dù xa chồng ngàn dặm nhưng Vũ Nương vẫn một lòng một dạ, tình cảm luôn hướng tới Trương Sinh nơi chiến trường. Phong cảnh thiên nhiên hữu tình “bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi” gợi lên dòng chảy vô tận của thời gian, khiến cho Vũ Nương không thể ngăn được nỗi buồn thương, nhung nhớ chồng. Như vậy tác giả đã diễn tả hết sức tinh tế khiến cho nỗi niềm kín đáo mà da diết của nhân vật hiện lên vô cùng chân thật. Ít lâu sau ngày chồng ra trận, Vũ Nương đã hạ sinh đứa con trai đầu lòng của Trương Sinh, đặt tên là Đản. Lúc này nàng phải gánh trọng trách vừa làm cha vừa làm mẹ để nuôi dưỡng đứa con bé nhỏ nên người. Tối đến, nàng thường chỉ chiếc bóng mình trên vách nói đó là cha Đản. Nàng làm vậy không phải chỉ để chơi đùa với con mà dường như đang an ủi chính mình, khiến cho nỗi cô đơn từng đêm lạnh lẽo qua đi khi tin rằng trong căn nhà nhỏ bé ấy lúc nào cũng có hình bóng của Trương Sinh. Suốt ba năm nàng lặng lẽ, âm thầm như thế, “tô son điểm phấn đã từng nguôi trong lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén góc”, thế nhưng tình cảm ấy sau này lại không được đền đáp!
Không chỉ là một người mẹ hiền, người vợ hết mực thuỷ chung, Vũ Nương còn là một người con dâu hiếu thảo, hết lòng phụng dưỡng mẹ chồng già yếu. Khi chồng vắng nhà, một mình nàng gánh vác hết thảy công việc mà không than vãn một lời, vừa thay chồng chăm sóc mẹ già, vừa nuôi dạy con thơ. Tuy tác giả không trực tiếp miêu tả nhưng người đọc ngầm hiểu được sự vất vả của Vũ Nương khi một mình quán xuyến công việc gia đình. Người ta thường nói về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu không bao giờ hoà thuận, thế nhưng với Vũ Nương thì khác, nàng không hề ghét bỏ mà ngược lại luôn tận tình, chu đáo chăm lo cho mẹ chồng. Tình cảm của nàng dành cho mẹ chồng là chân thật, khi mẹ ốm, nàng bày tỏ sự lo lắng chân thành và lực lời khuyên lơn. Đến khi bà qua đời, Vũ Nương cũng tự mình lo ma chay chu đáo giống y hệt như mẹ đẻ của nàng vậy. Bởi thế trước lúc lâm chung, bà đã dành cho Vũ Nương những lời có cánh “sau này trời xét lòng lành ban cho phúc đức giống dòng tươi tốt, rồi con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con như con đã chẳng phụ mẹ”. Câu nói ấy đã chứng minh cho tấm lòng thành của Vũ Nương bởi ngay tại hơi thở cuối cùng, bà không oán trách số phận, không nói những lời lo lắng cho con trai mà lại dành những lời cảm ơn tới nàng dâu hiếu thảo. Như vậy, lời cảm kích này đã phần nào làm tăng thêm tính khách quan và chân thực cho câu chuyện.
Tham khảo thêm: Tình yêu thương thầm kín của Tú Xương trong bài thơ “Thương vợ”
Ngày đất nước hoà bình, Trương Sinh trở về, những tưởng sau bao vất vả cuối cùng Vũ Nương có thể nắm trong tay niềm hạnh phúc sum vầy bên chồng con. Thế nhưng, câu chuyện đã làm người đọc vô cùng xót xa và day dứt bởi hiên thực xảy đến với Vũ Nương quá tàn khốc đến nỗi khiến nàng phải gieo mình tự vẫn. Bi kịch xuất phát từ lời nói ngây thơ của trẻ nhỏ, chỉ trách Vũ Nương bạc phận lấy phải người chồng vũ phu, độc đoán dẫn đến hàng tấn bi kịch cho cuộc đời mình. Hình ảnh “chiếc bóng” vốn là trò đùa để dỗ dành con thơ và phần nào làm vơi đi nỗi buồn nhớ của Vũ Nương, giờ đây chính là con dao hai lưỡi đẩy Vũ Nương đến con đường cùng. “Ô hay thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói chứ không như cha tôi… ngày nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi”. Chao ôi! Câu nói ngây dại của trẻ thơ sao mà làm đau lòng đến thế! Nó thổi bùng lên ngọn lửa ghen tuông vốn có trong con người Trương Sinh, chính là người đàn ông trước đây đã cảm động trước phẩm chất cao cả của Vũ Nương. Nhưng không còn nữa, tại giây phút này, kẻ hồ đồ, vũ phu ấy, bỏ ngoài tai tất cả những lời van xin rớm máu của vợ, lời biện bạch của hàng xóm. Và hơn cả, hắn rũ bỏ hết thảy những tháng ngày vợ hắn tần tảo sớm hôm, chăm sóc mẹ già, dạy dỗ con thơ. Quá sức chịu đựng, người con gái ấy không còn đủ mạnh mẽ để buông những lời tha thiết, thề non hẹn biển như trước, nhân phẩm của nàng coi như đã bị vẩn đục rồi, chỉ còn cách cuối cùng đó là dùng cái chết để minh chứng cho sự trong trắng của mình. Niềm khao khát được hàn gắn hạnh phúc gia đình của Vũ Nương lớn hơn bao giờ hết, thế nhưng để bảo vệ nhân phẩm của mình, nàng đã tự nguyện để mình hồi sinh thêm một lần nữa. Bởi lẽ, trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ, đối với người phụ nữ, không có điều gì đáng quý trọng hơn trinh tiết.
Yếu tố kì ảo ở cuối truyện dường như đã phần nào thể hiện sự cảm thông của nhà văn đối với số phận bất hạnh của Vũ Nương. Cái chết của nàng đã khiến Trương Sinh thoáng chút động lòng, thế nhưng nỗi oan của Vũ Nương vẫn chưa được hoá giải. Mặc dù nàng may mắn có được một cuộc sống sung sướng, hoà hợp dưới thuỷ cung nhưng vẫn một lòng một dạ thương nhớ về chồng con. “Ngựa hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam, tôi tất phải trở về có ngày”, câu nói mà nàng nói với Phan Lang khiến người đọc không khỏi xót xa. Điều này thể hiện tấm lòng khoan dung của Vũ Nương, nàng không đem lòng căm thù nơi trần thế vì đã khiến nàng phải chết một cách oan uổng, mà trái lại ngày đêm vấn vương cuộc sống nơi trần tục. Đến đây, người đọc càng thấu tỏ cái đức hạnh của người phụ nữ đáng thương ấy.
Như vậy, câu chuyện tuy ngắn nhưng thông qua nhân vật Vũ Nương, Nguyễn Dữ đã truyền tải đến người đọc những thông điệp ý nghĩa. Thảm kịch của Vũ Nương chính là lời tố cáo chiến tranh phi nghĩa, vì đã cướp đi hạnh phúc êm ấm của biết bao gia đình, khiến vợ chồng chia cắt, con cái mồ côi. Giả sử Trương Sinh không phải đi lính, không phải rời xa gia đình, thì có lẽ khao khát của Vũ Nương sẽ sớm thành hiện thực, nàng sẽ có được hạnh phúc viên mãn hơn bao giờ hết. Định kiến xã hội bấy giờ thật vô cùng đáng sợ, nó giết chết bao niềm hy vọng của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Không những thế, ngòi bút nhân đạo của Nguyễn Dữ còn chiến đấu chống lại lễ giáo phong kiến lúc bấy giờ, phê phán tư tưởng “trọng nam khinh nữ” và thói gia trưởng cũng như sự phân biệt khoảng cách giữa kẻ giàu người nghèo. Nhà văn xót thương trước những thân phận phụ nữ dù thuỷ chung son sắc nhưng lại bị xã hội vùi dập, đồng thời đề cao vẻ đẹp của họ trong cái xã hội mục rũa thối nát đương thời.
Tham khảo thêm: Phân tích chi tiết bài thơ Tự Tình của nữ sĩ Hồ Xuân Hương
Tóm lại, nhờ vào tài năng sáng tạo của Nguyễn Dữ, “chuyện người con gái Nam Xương” đã vượt ra khỏi cái khuôn khổ ban sơ của truyện cổ tích “Vợ chàng Trương”. Câu chuyện khép lại nhưng để lại trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm và nuối tiếc, xót thương cho thân phận người con gái trinh bạch nhưng bị vùi dập bởi xã hội phong kiến. Thông qua nhân vật này, Nguyễn Dữ đồng thời phê phán xã hội đương thời đầy rẫy những điều oan trái, bất công xảy đến với người phụ nữ; hơn thế nữa, tác phẩm còn đề cao khát vọng cao cả về hạnh phúc gia đình.
>> Tham khảo thêm bài: